Tâm thức biển...

(Baohatinh.vn) - Từ thuở hồng hoang, khi Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển lập nghiệp, biển đã trở thành một phần tất yếu trong tâm thức người Việt. Với cư dân vùng đất biên trấn Hà Tĩnh, biển cũng là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình chinh phục thiên nhiên, mưu sinh và bảo vệ non sông...

Tâm thức biển...

Tâm thức biển...

Tâm thức biển...

Tâm thức biển...

Từ bờ nam rào Cả đến mái bắc Đèo Ngang của dải đất phía Nam xứ Hoan Châu cổ - Hà Tĩnh có 137 km bờ biển. Trên suốt dặm dài gối mình vào đất liền của biển cả, biết bao giá trị văn hóa, lịch sử đã được các thế hệ cư dân miền biển kiến tạo nên. Giống như cư dân các vùng khác, những cư dân cổ Hà Tĩnh chủ yếu lập ấp, lập làng và sinh sống ở lưu vực các con sông lớn. Tuy nhiên, những cư dân cổ ấy cũng đã sớm biết vươn ra biển và ý thức được biển đảo là một phần vô cùng quan trọng trong lãnh thổ quốc gia.

Tâm thức biển...

Rộn ràng nhịp sống của ngư dân Kỳ Anh nơi Cửa Khẩu (Kỳ Ninh).

Ảnh: Trần Công Việt

Những kết quả khảo cổ cho thấy, từ xa xưa, nhiều vùng ven biển Hà Tĩnh đã trở thành những điểm tụ cư đông đúc. Vẫn còn đó những cửa biển cổ xưa như Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu. Vẫn còn đó trong những trang sách cổ không khí sầm uất của những thương cảng cổ Đan Nhai, Hội Thống… Và vẫn hiển hiện trong đời sống hiện đại những làng biển cổ với nét văn hóa, phong tục, tập quán được hình thành từ xa xưa như Xuân Hội, Xuân Hải, Cương Gián, Thạch Kim, Thạch Bằng, Thạch Bắc, Cẩm Nhượng, Kỳ Xuân, Kỳ Hải, Kỳ Ninh… Trong những ngôi làng nhỏ bé nằm bên bờ biển rì rào đêm ngày ấy là những con người lặng lẽ tạo nên tâm thức biển bằng cách gắn đời mình với sóng nước, gắn trách nhiệm công dân của mình với việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tâm thức ấy còn được bồi đắp đầy đặn hơn bằng những truyền thuyết đấu tranh anh dũng của nhiều nhân thần như Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, của những thiên thần như Thánh mẫu Liễu Hạnh, thần Tam Lang, thần Cá Ông…

Tâm thức biển...

Nghi thức thả thuyền trong Lễ hội cầu ngư của ngư dân Cửa Nhượng.

Ảnh: Hương Thành

Tâm thức biển...

Lễ hội Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi của ngư dân vùng Cửa Sót.

Ảnh: Huy Tùng

Từ trong lao động, để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và nhu cầu giao lưu, cộng cảm, những cư dân miền biển đã cùng tạo nên những lễ hội truyền thống đặc trưng như lễ cầu ngư, lễ hội nghinh Ông, hội chèo cạn, hội đua thuyền, lễ hội đóng đáy… Và cũng từ những truyền thuyết đẹp gắn với biển cả mênh mông, cư dân các vùng biển đã xây dựng nên những lễ hội tâm linh gắn với lòng biết ơn sâu sắc những người có công với nước như: Lễ hội đền Chiêu Trưng (Lộc Hà - Thạch Hà), lễ hội đền Bà Hải - Chế Thắng phu nhân (Kỳ Ninh - TX Kỳ Anh), lễ hội đền Củi (Nghi Xuân)… Những lễ hội đó đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cổ vũ tinh thần hăng say lao động, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và gìn giữ lãnh hải của cư dân miền biển.

Tâm thức biển...

Tâm thức biển...

Niềm vui được mùa. Ảnh: Hương Thành

Biển cả, với người dân Hà Tĩnh từ bao đời nay đã đi vào tâm thức như máu thịt của quê hương, xứ sở. Biển không chỉ cung cấp thực phẩm đa dạng, không chỉ đem đến việc làm cho cư dân mà còn sở hữu nguồn tài nguyên hết sức dồi dào, là cơ sở để xây dựng một nền kinh tế biển đa dạng, tiềm năng như du lịch, giao thông, vận tải biển...

Từ xa xưa, cùng với nghề đánh bắt, cư dân ven biển còn biết nuôi trồng hải sản, dùng hải sản để chế biến nhiều loại thực phẩm khác như nước mắm, mắm tôm, ruốc, cá khô, mực khô, làm muối... Một nhà, hai nhà rồi dần hình thành nên những làng nghề truyền thống. Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, cư dân vùng biển rất thức thời, biết tìm hiểu và mua sắm dây chuyền, công nghệ, đăng ký thương hiệu để nâng tầm giá trị, đưa sản phẩm vươn ra thị trường rộng lớn. Những làng muối nước mắm Cương Gián, Kỳ Ninh, Kỳ Hải, Thạch Hải, Cẩm Nhượng, Thạch Kim… đã xây dựng nên những thương hiệu khá nổi tiếng như bà Thắm, Ánh Hồng, Phú Khương… Mặc dù nghề chế biến hải sản đã có những lúc rơi vào bế tắc nhưng sự kiên định của người dân đã chứng minh được tâm thức biển đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp làm của họ.

Tâm thức biển...

Cảng nước sâu Sơn Dương - Tiềm năng lớn của ngành công nghiệp cảng biển Hà Tĩnh.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII của Đảng khẳng định: “Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm QPAN, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển”.

Thực hiện quan điểm đó, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tập trung nguồn lực để khai thác tiềm năng biển trên lĩnh vực du lịch cũng như thương mại, dịch vụ và vận tải. Hiện nay, với 2 cảng biển Xuân Hải (Nghi Xuân), Vũng Áng (Kỳ Anh), hoạt động giao thương đang diễn ra rất sôi động, tạo cơ hội cho Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển kinh tế với các vùng trong nước và hợp tác quốc tế. Trong đó, khu liên hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương bao gồm việc đầu tư và khai thác có hiệu quả khu liên hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải biển tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc Trung Bộ. Lợi thế về một cảng nước sâu của Vũng Áng sẽ được khai thác triệt để, góp phần giúp Hà Tĩnh phát triển bền vững.

Tâm thức biển...

Tàu vỏ thép trên cảng Xuân Hội. Ảnh: Đậu Hà

Ngoài ra, 2 cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà) với dịch vụ hậu cần nghề cá bài bản không chỉ khuyến khích ngư dân địa phương cải hoán tàu thuyền, phát triển ngư nghiệp mà còn thu hút hàng trăm tàu thuyền ngoại tỉnh ra vào cảng. Và không chỉ có thế, các tàu thuyền trong hoạt động nghề nghiệp còn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt là tất cả những thuyền viên, ngư dân đều thể hiện tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản.

Tâm thức biển...

Biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Ảnh: Hương Thành

Ngoài những tiềm năng về nguồn lợi thủy sản, độ sâu, biển Hà Tĩnh còn có tiềm năng du lịch rất lớn khi hầu hết các vùng biển đều sở hữu những bãi cát thoải dài, hoang sơ, phong cảnh hữu tình. Trong đó, nhiều bãi biển đã được khai thác hiệu quả như Xuân Thành (Nghi Xuân); Thạch Hải (Thạch Hà); Thạch Bằng (Lộc Hà); Kỳ Xuân, Kỳ Ninh (Kỳ Anh); đặc biệt là Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Hiện nay, Hà Tĩnh cũng đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư, nhằm khai thác sâu hơn tiềm năng du lịch biển.

Nghị quyết Trung ương 8 cũng nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”. Đó chính là kim chỉ nam để Hà Tĩnh tiếp tục khai thác và bồi đắp tâm thức biển trong lòng mỗi một công dân.

Ảnh: P.V - c.t.v

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast