Tháng Chạp của người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những ngày giáp tết, không khí nhộn nhịp, rộn ràng lan tỏa trên khắp phố phường Hà Tĩnh. Người người tất bật hoàn tất công việc của năm cũ nhưng cũng không quên sửa soạn cho một cái tết thật đủ đầy với những nét đẹp truyền thống.

Thiêng liêng nguồn cội

Mỗi năm, cứ đến tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm, người dân Hà Tĩnh lại tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết. Sau một năm làm việc tất bật với bao bộn bề lo toan, tâm lý chung của mọi người đều muốn nhà cửa được quét dọn, lau chùi sạch sẽ để chào đón năm mới được may mắn, bình an.

Tháng Chạp của người Hà Tĩnh

Dịch vụ dọn nhà đắt khách vào mỗi dịp tết đến.

Những người có điều kiện kinh tế thường thuê dịch vụ dọn nhà để dọn dẹp ngay từ những ngày đầu tháng 12 âm lịch. Cán bộ, công chức đồng lương eo hẹp hơn thì tranh thủ dọn nhà vào những ngày nghỉ cuối tuần. Bà con nông dân có thời gian hơn, thường để qua ngày 23 tháng Chạp, khi ông Công, ông Táo đã về trời thì mới bắt đầu công việc dọn dẹp. Các ngóc ngách của ngôi nhà được lau dọn sạch sẽ, đồ đạc được đưa ra chùi rửa và sắp xếp lại ngăn nắp, gọn gàng. Bàn ghế được lau chùi bóng loáng, sạch sẽ. Tất cả như được khoác lên mình màu áo mới tinh tươm, sạch sẽ chờ đón tết.

Bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, công tác lau dọn bàn thờ được người dân hết sức coi trọng bởi đó chính là nơi thờ cúng, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cũng chính là nơi linh thiêng nhất trong ngôi nhà của người Việt. Vì vậy, dù bận trăm công ngàn việc, tết đến, người dân Hà Tĩnh luôn sắp xếp dành thời gian để lo việc lau dọn bàn thờ sao cho thật sạch sẽ.

Bát hương năm cũ sẽ được hóa chân hương và mang thả trôi sông để cắm chân hương mới. Sau khi dọn dẹp, lau rửa, bàn thờ sẽ được bày biện lại, trang hoàng đẹp đẽ với mâm ngũ quả, bình hoa tươi cùng các loại hương thơm. Bàn thờ càng được bày biện tươm tất, chu đáo thì tâm lý chủ nhà càng thêm yên tâm và tin tưởng một năm mới bình an, nhiều may mắn vì tin rằng tổ tiên sẽ về và phù hộ độ trì cho con cháu.

Tháng Chạp của người Hà Tĩnh

Tảo mộ là nét văn hóa được người dân mọi miền quê Hà Tĩnh duy trì từ đời này sang đời khác trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Báo Dân trí.

Sau khi hoàn tất việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, người dân sẽ đi quét dọn, viếng mộ của ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tới người đã khuất. Đây là nét văn hóa được người dân mọi miền quê Hà Tĩnh duy trì từ đời này sang đời khác trong dịp Tết Nguyên đán, gọi tắt là tục “tảo mộ”.

Thực chất của việc tảo mộ là dọn dẹp phần mộ hay còn gọi là “nhà cửa” của người đã khuất cho sạch sẽ, tươm tất và mời họ về ăn tết cùng con cháu. Ngày tết, con cháu dù làm ăn ở xa cũng sẽ cố gắng về tảo mộ vào mỗi dịp tết. Tục tảo mộ thường diễn ra từ ngày mùng 10-25 tháng Chạp nhưng ở xã Thạch Đài quê tôi thường diễn ra sôi nổi từ ngày 18-25 tháng Chạp. Dịp này, nghĩa trang thường nhộn nhịp người đến dọn cỏ, sơn phết lại mộ phần tổ tiên cũng như tường bao quanh.

Dòng tộc Nguyễn Văn bên nhà chồng tôi là một họ tộc lớn ở TP Hà Tĩnh. Năm nào chồng tôi cũng tham gia tảo mộ cùng các chú, các bác trong dòng họ. Cận tết, bác tộc trưởng sẽ ấn định ngày tảo mộ. Đúng ngày, thành viên các gia đình sẽ cử đại diện tập trung về khu mộ của tổ tiên để cùng nhau tảo mộ với tâm thái hết sức thành kính. Sau một ngày làm việc vất vả, mọi người sẽ tập trung về nhà bác tộc trưởng để tổng kết việc họ trong năm cũ và cùng bàn bạc, phân công các phần việc của dòng họ trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán.

Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành...

Gói bánh chưng xanh dịp tết cổ truyền là một nét văn hóa được duy trì và lưu giữ bao đời nay trên quê hương Hà Tĩnh. Bởi nó không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính khi dâng lên tổ tiên tấm bánh chưng tượng trưng cho lòng tri ân sau một năm mưa thuận, gió hòa mà còn cầu mong cho một năm mới may mắn, vạn sự hanh thông. Mỗi dịp tết đến xuân về, mọi người cùng quây quần bên nhau trên manh chiếu trải giữa sân nhà để gói bánh chưng rồi lại xúm xít bên bếp lửa hồng cạnh nồi bánh chưng nghi ngút khói là hình ảnh hết sức thân thuộc, ấm áp và đẹp đẽ.

Tháng Chạp của người Hà Tĩnh

Những nồi bánh chưng sôi ùng ục bên bếp lửa hồng cùng những cặp má ửng đỏ đã trở thành miền ký ức thân thương của biết bao thế hệ...

Tầm 26 tết, chợ Hà Tĩnh tấp nập, chen chúc người đi mua sắm tết. Các bà, các mẹ rủ nhau mua lá dong, ống giang và các loại nguyên vật liệu như: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn về chuẩn bị gói bánh chưng. Những chiếc khuôn gói bánh chưng vuông vắn, nhuốm màu thời gian mỗi năm lại được lấy ra từ chạn bếp, vẫn đều đặn cho ra lò những chiếc bánh chưng đều tăm tắp dưới bàn tay khéo léo của các thành viên trong gia đình. Để tiết kiệm thời gian và tăng thêm tinh thần đoàn kết, vui vẻ của bà con làng xóm, vài ba nhà ở cạnh nhau sẽ cùng tổ chức gói bánh chưng. Tiếng cười nói râm ran của người lớn, tiếng hò reo ríu rít của lũ trẻ bên chồng bánh chưng mỗi lúc một cao thêm như xua tan cái lạnh của những ngày giáp tết. Những nồi bánh chưng sôi ùng ục bên bếp lửa hồng cùng những cặp má ửng đỏ đã trở thành miền ký ức thân thương của biết bao thế hệ.

Anh Nguyễn Văn Lực - Tổ trưởng tổ dân phố Linh Tân, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tết năm nào gia đình tôi cũng tổ chức gói bánh chưng vào ngày 27 tết để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Hơn nữa, đây cũng là dịp để cả nhà già trẻ, lớn bé quây quần bên nhau, cùng làm việc và chuyện trò sau một năm bận bịu. Năm nay chúng tôi dự định gói nhiều bánh hơn năm ngoái, vừa để thắp hương lên bàn thờ, vừa để cho các cháu mang đi sau dịp nghỉ tết. Con út nhà tôi hiện đang học đại học xa nhà, cầm chiếc bánh chưng do chính bố mẹ chuẩn bị, lòng các con sẽ thấy ấm áp hơn”.

Thêm rực rỡ ngày xuân

Dẫu là miền đất nắng gió với khí hậu khắc nghiệt nhưng nhờ bàn tay và khối óc con người, nhiều loại hoa chưng tết đẹp mắt đã được trồng ngay trên mảnh đất Hà Tĩnh, đã đủ cung ứng cho mọi miền. Trong không khí giao hòa, đất trời sang xuân, những bình hoa rực rỡ, những chậu cảnh sum suê hoa trái từ các nhà vườn và các nơi khác mang về được chưng bán tại các ngả đường lớn để mang sắc xuân đến với mọi nhà...

Thú chơi hoa, cây cảnh ngày tết đã trở thành nghệ thuật, thể hiện sự tinh tế của tâm hồn và mang ý nghĩa sâu xa là mùa xuân sẽ mang đến tài lộc. Chợ hoa ngày tết muôn màu muôn vẻ nhưng thường các gia đình sẽ lựa chọn trong các loại: đào Nhật Tân, đào phai, quất, mai, bưởi cảnh, hoa ly, hoa lan...

Tháng Chạp của người Hà Tĩnh

Những cây nêu không chỉ làm các con đường rực sáng, huyền ảo trong đêm mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc...

Bên cạnh việc chưng hoa, tục dựng cây nêu ngày tết cũng được người dân triển khai sôi nổi. Chừng 20 tháng Chạp, mỗi nhà đều đã hoàn tất dựng cho mình một cây nêu cao chừng 5m với ngọn nêu được dùng đèn nháy trang trí thành hình sao vàng năm cánh, hình lá cờ; thân quấn đèn nháy lung linh với đủ sắc màu trông vô cùng đẹp mắt. Màn đêm buông xuống, người đi đường sẽ được chiêm ngưỡng những cây nêu lung linh, rực rỡ vươn cao lên nền trời xa thẳm, sáng rực cả một vùng. Tục dựng nêu trước cổng nhà ngày tết nhằm mục đích tiêu trừ những điều xấu của năm cũ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người và đón năm mới bình an, hạnh phúc.

Chủ đề Chào năm mới 2024

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.