Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

(Baohatinh.vn) - Nước ta hiện có nhiều làng cổ nổi tiếng, như Đường Lâm, Phước Tích, nhưng chưa có nơi nào như Trường Lưu (Can Lộc - Hà Tĩnh) có đến 3 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Tác giả bài viết - TS Võ Hồng Hải (thứ ba từ phải sang ở hàng đầu) và đại diện đoàn Việt Nam nhận chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO dành cho Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (11/2022).

Phượng Lĩnh nguy nga, Phúc Giang dào dạt…

Đó là những vế đầu trong câu đối khắc ở đình làng, nói về phong thổ và lịch sử chuyển cư của một làng quê nổi tiếng vùng thượng Can Lộc, nằm mé Tây Nam núi Cài, ngọn núi có thế phong thủy “Phượng Hoàng ấp trứng” nên truyền đời “Sạc Sơn tứ diện giai công hầu”.

Làng Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) xưa có 10 xóm, rồi nhập lại thành 5 thôn với 574 hộ, 1.644 nhân khẩu của 41 tên họ, trong đó có 23 chi họ Nguyễn Huy, dẫu đã trải qua hành trình lịch sử hơn 600 năm với nhiều thăng trầm, biến cải, nhưng có một điều không hề thay đổi là tên gọi của một dòng họ gắn với địa danh làng, họ Nguyễn Huy - Trường Lưu.

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Đình làng Trường Lưu.

Theo văn bia “Nguyễn Thám hoa gia phổ ký” do chính Nguyễn Huy Oánh soạn thảo năm Cảnh Hưng (Giáp Tuất 1754), thì họ vốn gốc ở Trần Lưu (đây cũng là một địa danh thường gặp ở các bản cổ phả, như Thái Nguyên quận - họ Võ, Trần Lưu quận - họ Nguyễn, Cao Bình quận - họ Phạm, Dĩnh Xuyên quận - họ Trần, Giang Hà quận - họ Huỳnh, Thanh Hà quận - họ Đặng, Vinh Dương quận - họ Phan…) “nhận mệnh xuống phía Nam rồi lan đến nước ta, cho nên trải qua các đời mà không được rõ”.

Về 3 thế hệ đầu của họ Nguyễn Huy Trường Lưu, cụ Uyên Hậu thi Hương đỗ Sĩ vọng rồi Ngũ kinh Bác sĩ; con là Nguyễn Hàm Hằng “15 tuổi thi Hương, năm 16 tuổi thi Hội đứng thứ 3”. Chưa biết ông Uyên Hậu mất ở đâu, còn Nguyễn Hàm Hằng, Nguyễn Thừa Nghiệp cũng như anh là Nguyễn Thừa Cẩn đều mất ở quê, hiện vẫn còn lăng mộ. Vào khoảng thời gian tương ứng với cuối đời thứ 3 của họ Nguyễn Huy, lại xuất hiện thủy tổ họ Nguyễn Xuân và họ Trần Huy. Như vậy, khoảng 100 năm đầu (1450-1550) là quãng thời gian thủy tổ họ Nguyễn Huy về lập nghiệp, dựng làng cùng với cư dân gốc và một số dòng họ khác.

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Đến nay, Làng văn hóa Trường Lưu (Can Lộc) đã có 3 di sản được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Nhà cổ hàng trăm năm tuổi tại Trường Lưu.

Những năm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Trường Lưu đã khá phát triển, có người đỗ đạt, làm quan trong triều ngoài quận. Họ Nguyễn Xuân có Nguyễn Xuân Mậu (1685-1736) đỗ khoa thi Hương năm 1708, làm tri huyện, sau khi mất được tặng Thiếu Khanh. Họ Trần Huy có Trần Huy Báu, đỗ năm 1729, làm Tri huyện Hội Ninh. Trước nữa, có người họ Hoàng từng làm tri huyện; họ Võ ở thôn Quỳnh Côi cũng có người đỗ Hương cống…

Theo “Nguyễn Thị gia tàng”, khởi sắc của họ Nguyễn Huy Trường Lưu là từ cụ Nguyễn Công Ban, tuy chỉ đỗ Hoành từ, Sĩ vọng nhưng lấy vợ là con gái Bạt quận công Dương Trí Trạch, cháu ngoại của Tể tướng Nguyễn Văn Giai nên có thế lực và tầm ảnh hưởng lớn; nhưng người thực sự nâng tầm, chắp cánh cho vùng quê này phải là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789).

Cùng với lập Thư viện Phúc Giang, Nguyễn Huy Oánh còn tổ chức rất nhiều hoạt động khác như dựng trường học (Trường Lưu học hiệu), khắc gỗ in ấn sách vở, xây dựng các công trình công ích, tôn giáo (chợ, kho nghĩa thương, chùa...), đặt quỹ học điền… Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ của các danh sỹ để đàm đạo văn chương, thế cuộc, để thưởng ngoạn “Trường Lưu bát cảnh”, để hòa mình với những sinh hoạt văn hóa dân gian trong vùng như ví phường vải, hát chèo, diễn tuồng…

Với sự ra đời của Thư viện Phúc Giang, vùng văn hóa Trường Lưu vốn từng thấm đậm chất văn hóa dân gian đã được quy phạm hóa theo mẫu mực văn hóa bác học; và nếu như Hồng Sơn văn phái với 3 tác giả tiêu biểu (Nguyễn Du - Truyện Kiều, Nguyễn Huy Tự - Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Hổ - Mai đình mộng ký) được khởi đầu từ Nguyễn Nghiễm - Nguyễn Huy Oánh thì chính Thư viện Phúc Giang là nền tảng đầu tiên tạo bệ phóng tri thức cho các thiên tài thăng hoa thành những danh nhân văn hóa.

Con cái thành rồng, anh em nên phượng...

Giai long, bất nhượng Tuân gia bát

Vi phượng, hoàn thâu Tiết thị tam

(Con cái thảy thành rồng, vượt hẳn tám chàng trai Tuân Tử

Anh em đều nên phượng, kém gì ba cậu ấm Tiết Công)

Đó là một trong nhiều câu đối được khắc ở nhà thờ họ Nguyễn Huy nói về sự thành danh của các thế hệ trong dòng tộc, làng xã. Nước ta hiện có nhiều làng cổ nổi tiếng, như Đường Lâm, Phước Tích, nhưng chưa có nơi nào như Trường Lưu có đến 3 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh và nếu nói chính xác hơn, thì thêm cả di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - ví giặm Nghệ Tĩnh, vì Trường Lưu cũng chính là một trong những cái nôi của hát ví Phường Vải nổi tiếng.

Sau “Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của dòng họ được ghi danh Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2022, “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu” tiếp tục được Chương trình Ký ức thế giới thuộc UNESCO ghi danh. Bộ sưu tập sắc phong, văn bằng và trướng ở làng Trường Lưu (1689-1943) bao gồm 48 tư liệu gốc, quý hiếm, có nguồn gốc rõ ràng, được lưu giữ cẩn thận, trong đó có 26 sắc, 19 văn bằng và 3 trướng tại 9 nhà thờ và 1 tư gia; cụ thể hơn, có 22 sắc phong thời Lê (1689-1783), 4 sắc thời Nguyễn (1824-1935), 19 văn bản hành chính như bằng, trát sức, bẩm, đơn...

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Mộc bản Trường học Phúc Giang - di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Theo các chuyên gia, đây là bộ tư liệu độc đáo, có giá trị trên nhiều phương diện, như phản ánh ân sủng đặc biệt của triều đình với dòng họ; thể hiện truyền thống và gia phong tộc họ; bổ sung thêm cứ liệu nghiên cứu các sự kiện lịch sử, địa danh, nhân vật; bổ sung cứ liệu cho việc nghiên cứu lịch sử ấn chương... Chỉ riêng quan hệ thông gia của 2 Nguyễn cự tộc ở 2 mái núi Hồng đã góp phần tạo nên một kho tàng di sản cả vật thể và phi vật thể phong phú, quý hiếm của quê hương, dân tộc.

Hình như có khách viễn phương tới nhà…

Như một ngẫu nhiên, cả 2 di sản của làng Trường Lưu đều được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) bỏ phiếu công nhận tại 2 hội nghị tổ chức ở thành phố Andong, Hàn Quốc, nơi có làng cổ Hahoe đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010.

Hahoe cũng có lịch sử hơn 600 năm, được hình thành bởi 3 dòng họ lớn, Huh, Ahn và Ryu, trong đó, cự tộc Ryu đóng vai trò chủ đạo, vì đây là quê hương của 2 anh em Ryu Unryong, học giả Nho giáo nổi tiếng dưới triều Joseon và nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Ryu Seongryong. Ngoài việc bảo tồn được gần như nguyên vẹn không gian, kiến trúc của làng, Hahoe còn lưu giữ được nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống như mặt nạ Gaksi và nghi thức múa mặt nạ dân gian, lễ trừ tà Byeolsi, tượng gỗ (Jangseung)… Du khách từ mọi quốc gia đến tham quan làng cổ ngày một đông, xuống bãi đỗ xe, lên xe buýt đi chừng 2 km để vào làng, vừa tránh tắc đường, tránh tác động đến cảnh quan, kiến trúc…

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Một tài liệu văn bản hành chính do chính quyền gửi cho người dân xã Trường Lưu thuộc bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)

Trường Lưu cũng đã một thời nườm nượp khách tứ phương, chủ yếu đến đọc sách, học tập, giao lưu, nghe hát chèo, tuồng và đặc biệt là hòa mình vào những cuộc hát ví hấp dẫn thâu đêm suốt sáng với các ả Sạ, o Uy, những cô gái Phường Vải xinh đẹp, dí dỏm - xôi nếp cái, gái Trường Lưu… Làm gì để đánh thức những giá trị xưa hồi sinh; làm gì để đưa Trường Lưu sánh với Đường Lâm, Phước Tích và xa hơn, vươn tầm Hahoe?

Để xây dựng, phát triển Trường Lưu thành làng du lịch di sản mang tầm quốc gia, quốc tế, trước hết phải xác định rõ những thuận lợi, cản trở. Có 5 ưu thế cho làng: có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa với 3 di sản được UNESCO vinh danh; có hệ thống di tích được xếp hạng ngày càng tăng, đa dạng loại hình; có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý hiếm; vẫn không ngừng lôi cuốn, hấp dẫn giới nghiên cứu trong và ngoài nước; cấp ủy, chính quyền có quyết tâm cao, Nhân dân đồng thuận, ý tưởng và hướng đi đã rõ; có không gian và tổ chức (dù sơ khai) - Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu. Và 5 thách thức: không gian làng cổ gần như bị phá vỡ; cơ cấu cư dân, nghề nghiệp thay đổi lớn (nhiều nghề thủ công như dệt vải, đan lát không còn; chủ yếu người già trong làng); nhiều di tích bị xuống cấp; các loại hình nghệ thuật truyền thống và văn hóa phi vật thể bị mai một, thất truyền; nguồn lực, cả nhân lực và vật lực đều khó khăn…

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Dòng họ Nguyễn Huy và Nhân dân xã Trường Lộc tổ chức rước bằng công nhận “Hoàng hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (năm 2018).

Trường Lưu - từ vùng quê văn hóa của Hà Tĩnh đến làng di sản nhân loại

Những trang sách trong “Hoàng hoa sứ trình đồ” chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, địa lý, văn hoá trong hành trình đi sứ thế kỷ XVIII.

Cấp thiết và cũng là quan trọng nhất, cần xây dựng ngay một quy hoạch tổng thể Làng du lịch di sản Trường Lưu để kịp bảo tồn, cứu giữ những nét xưa, những giá trị quý hiếm mà bao thế hệ đã sáng tạo, trao truyền; kết nối với các di tích, điểm du lịch trong vùng; đặc biệt, tập trung nghiên cứu, xây dựng tour, tuyến sản phẩm du lịch văn hóa, văn học độc đáo, riêng có của Hà Tĩnh - tour du lịch “Di sản UNESCO” gắn với “Hồng Sơn văn phái”…

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"...

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"...

Không ít lần trắng tay sau những cuộc tiên phong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng bằng ý chí, quyết tâm của người lính cụ Hồ, ông Hoàng Ngọc Trà (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
"Quả ngọt" nông thôn mới Ân Phú

"Quả ngọt" nông thôn mới Ân Phú

Cảnh quan xanh mát, hạ tầng đồng bộ, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao… là những “quả ngọt” mà xã Ân Phú (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã gặt hái được trên hành trình bền bỉ xây dựng nông thôn mới.
Huyền thoại Xô viết ở Phù Lưu Thượng...

Huyền thoại Xô viết ở Phù Lưu Thượng...

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Phù Lưu Thượng nay là xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã gửi vào tâm thức thế hệ trẻ niềm tự hào, biết ơn để nỗ lực hơn trong cống hiến xây dựng quê hương.
20 giếng cổ ở Lộc Hà được trùng tu như thế nào?

20 giếng cổ ở Lộc Hà được trùng tu như thế nào?

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình là biểu tượng làng quê Việt Nam, tuy nhiên, qua thời gian, không ít giếng làng đã trở thành phế tích. Tại Lộc Hà (Hà Tĩnh), người dân bằng nhiều cách làm đã trùng tu, phục dựng giếng làng nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa.
Là quân nhưng chúng tôi ở trong dân

Là quân nhưng chúng tôi ở trong dân

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cùng với phát triển kinh tế, anh Nguyễn Ngọc Quyết (Hương Khê, Hà Tĩnh) tiếp tục tham gia lực lượng dự bị động viên, là tấm gương tiêu biểu ở đơn vị, địa phương.
Người trẻ và khát vọng chinh phục đỉnh cao

Người trẻ và khát vọng chinh phục đỉnh cao

Kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông, những người trẻ Hà Tĩnh ngày nay đang nỗ lực học tập, rèn luyện để hoàn thiện tri thức, trở thành những công dân hội nhập.
Nghe cựu chiến binh Hà Tĩnh kể chuyện lái xe cho Bác Hồ

Nghe cựu chiến binh Hà Tĩnh kể chuyện lái xe cho Bác Hồ

Từng vinh dự được lái xe phục vụ Bác Hồ nhân dịp Việt Nam tổ chức lễ duyệt binh diễn ra trên quảng trường Ba Đình vào năm 1955, ông Trương Quang Hảo (90 tuổi, ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã cảm nhận được sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người.
Trên quê hương Xô viết anh hùng

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Những ngày này, trong phấp phới cờ đỏ sao vàng tung bay trên những vùng quê nông thôn mới khang trang ở các huyện Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh), dường như vẫn còn nghe âm vang tiếng trống Xô viết giục giã thuở nào…
Về Hà Tĩnh, xem các đô vật thi tài

Về Hà Tĩnh, xem các đô vật thi tài

Với đông đảo đô vật từ nhiều lứa tuổi, trong và ngoài xã tham gia, hội vật truyền thống ở Thuần Thiện (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây nhằm chào mừng Quốc khánh 2/9.
Trái tim người lính mang nặng ân tình

Trái tim người lính mang nặng ân tình

“Nợ ân tình” là món nợ của một trái tim nhân hậu, đầy yêu thương với cuộc đời, con người. Đọc cuốn hồi ký, chúng ta càng hiểu hơn trái tim mang nặng ân tình của một người cựu binh, càng yêu thêm những người lính, yêu thêm đất nước Việt Nam một thời đạn lửa, gian lao khó nhọc nhưng anh hùng, vinh quang.
Nghị lực của Ánh

Nghị lực của Ánh

Sinh ra không có bố, mẹ mắc bệnh thần kinh, 12 tuổi Nguyễn Thị Hồng Ánh (SN 2006, trú thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) được đưa vào Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Không đầu hàng trước số phận, em đã vươn lên trong học tập để bước vào giảng đường đại học với số điểm 28,25.