Nuôi cá vược, người dân ven cửa Nhượng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

(Baohatinh.vn) - Ít dịch bệnh, lợi nhuận cao là những ưu điểm mà mô hình nuôi cá vược trong lồng bè ở khu vực cửa sông Nhượng mang về cho bà con thôn Vĩnh Phúc, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Anh Trần Văn Dũng (SN 1980, trú thôn Vĩnh Phúc, xã Nam Phúc Thăng) ổn định cuộc sống nhờ nuôi cá vược.

Năm 2005, gia đình anh Trần Văn Dũng (SN 1980, trú thôn Vĩnh Phúc, xã Nam Phúc Thăng) bắt đầu gắn bó với nghề nuôi cá vược sau thời gian đi nuôi thuê cho một số mô hình ở TP Hải Phòng.

Anh Dũng cho biết: “Nhận thấy đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, có thể tận dụng mặt nước tại khu vực cửa sông Nhượng gần nhà nên tôi đã quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu, tôi nuôi thử nghiệm 2 lồng, với 1.000 con giống. Sau 5 - 6 tháng thả nuôi, nhờ phù hợp điều kiện tự nhiên, vùng nước nên cá phát triển nhanh, trọng lượng đạt khoảng 0,8-1 kg/con. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi, cho lợi nhuận cao nên tôi tiếp tục gắn bó với loại cá này”.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên các lồng bè cá vược của anh Dũng phát triển tốt.

Thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực để anh Dũng mạnh dạn mở rộng quy mô, đến nay, anh đã phát triển lên 7 lồng và duy trì ổn định qua từng năm. “Nhờ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nên cá luôn sinh trưởng tốt, cho chất lượng thơm ngon nên rất được khách hàng tin tưởng tiêu thụ, với mức giá ổn định từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, tuỳ vào từng thời điểm. Bình quân mỗi năm, tôi xuất bán hơn 4 tấn cá thương phẩm, cho doanh thu khoảng 750 - 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, đem về nguồn thu hơn 350 triệu đồng” - anh Dũng phấn khởi nói.

Với gần 20 năm kinh nghiệm, anh Dũng cho biết, cá vược thường sống ở vùng ven biển và ở khu vực cửa sông, nơi có sự giao thoa nước mặn và ngọt. Đây là giống cá có giá trị kinh tế cao, do đó, người nuôi phải chọn cá giống được khai thác tự nhiên hoặc giống được phát triển trong môi trường nước lợ. Với những người nuôi có kinh nghiệm như anh thì có thể chọn cá giống nhỏ, loại 9 nghìn đồng/con để giảm chi phí ban đầu. Còn muốn "chắc ăn" thì chọn cá loại lớn hơn, có giá bán từ 15 - 20 nghìn đồng/con giống để nuôi.

“Đối với cá vược, thời gian xuống giống thích hợp nhất là từ tháng 3 - 7 dương lịch. Bởi, thời gian này ít mưa, nước không biến động nhiều, độ mặn ổn định nên giảm thiểu được tình trạng cá nhiễm bệnh, sốc nhiệt. Thức ăn của cá vược khá dễ kiếm, chủ yếu là các loại cá tạp, tôm, cua nhỏ nên khi nuôi không tốn quá nhiều công sức” - anh Dũng chia sẻ.

Mô hình nuôi cá vược của anh Trần Văn Khoa cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Từ thành công của gia đình anh Dũng, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Vĩnh Phúc đã đến học hỏi và mạnh dạn đầu tư nuôi cá vược trong lồng bè ở khu vực cửa sông Nhượng. Anh Trần Văn Khoa (SN 1979) là một trong số đó. Được anh Trần Văn Dũng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cuối năm 2020, anh Khoa đầu tư gần 200 triệu đồng để làm 5 lồng bè và mua con giống về thả.

Anh Khoa cho biết: “Có anh Dũng đồng hành nên gia đình tôi khá yên tâm đầu tư. Hiện, gia đình đang có thu nhập ổn định từ nghề nuôi cá vược, bình quân mỗi năm tôi xuất bán được 2,5 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô lên 7 lồng để nâng cao thu nhập, khai thác tối đa lợi thế nguồn nước lợ sẵn có”.

Cá vược nuôi ở khu vực cửa sông Nhượng có chất lượng tốt nên dễ tiêu thụ.

Theo các hộ, cá vược thường được thả nuôi từ tháng 3 - 7 dương lịch để có bán quanh năm. Toàn thôn Vĩnh Phúc hiện có 19 hộ nuôi cá vược trong lồng bè, bình quân mỗi hộ nuôi 5 lồng, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật nên cá ở đây luôn được khách hàng săn đón, không xảy ra tình trạng ế hàng.

Toàn thôn Vĩnh Phúc hiện có 19 hộ nuôi cá vược trong lồng bè.

Đặc biệt, để nghề nuôi cá vược trong lồng bè được bền vững, bà con có thêm điều kiện tiếp cận các chính sách ưu đãi như hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, quảng bá sản phẩm…, vào cuối năm 2023, Hội Nông dân xã Nam Phúc Thăng đã quyết định thành lập “Chi hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản nước lợ đa giá trị” nhằm khơi dậy tinh thần hợp tác, tạo điều kiện để hội viên trao đổi về kỹ thuật và kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Video: Nuôi cá vược trong lồng bè cho thu nhập cao ở thôn Vĩnh Phúc.

Ngoài việc thành lập chi hội nghề nghiệp, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp người nuôi cá vược nắm vững hơn về kỹ thuật, các biện pháp phòng bệnh để nâng cao giá trị. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác định hướng, vận động bà con trên địa bàn thôn Vĩnh Phúc và các vùng gần cửa sông đến tham quan, học hỏi, từng bước nuôi thử nghiệm khi có điều kiện nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Trần Hữu Duyệt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Phúc Thăng.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói