Theo Dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 26/11 trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết chuyển rét (nhiệt độ từ 16 – 180C). Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị phòng NN&PTNT/phòng kinh tế), trung tâm ứng dụng KHKT&BVCTVN các huyện, thành phố, thị xã tham mưu, hướng dẫn và chỉ đạo triển khai các biện pháp cần thiết.
Trong đó, cần tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật, kinh nghiệm phòng, chống đói rét cho vật nuôi đến tận người chăn nuôi; cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh, thông tin thường xuyên và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đoàn thể và chính quyền cấp xã hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chú trọng khu vực miền núi, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, những vùng có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao.
Đặc biệt, trong những ngày rét đậm, rét hại phân công cán bộ, chuyên môn xuống tận các thôn, xóm để chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh.
Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Cụ thể: sửa chữa, che chắn giữ ấm chuồng trại đảm bảo vững chắc, chống mưa, rét, gió lùa, nhất là vào ban đêm, giữ nền chuồng khô ráo, đảm bảo vệ sinh. Đối với gia súc, gia cầm non phải có ô sưởi ấm riêng. Chuẩn bị hệ thống sưởi bằng bóng điện hoặc bố trí chỗ đốt củi sưởi cho đàn vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại.
Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh (ngô, cám gạo, sắn...), thức ăn thô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi; áp dụng kỹ thuật chế biến thức ăn thô xanh từ phụ phẩm nông nghiệp: rơm khô đánh đống hoặc ủ urê, ủ chua thân cây ngô, cỏ trồng, cỏ tự nhiên; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh, muối, khoáng, vitamin… để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong ngày giá rét.
Có kế hoạch để chủ động đưa đàn gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại. Trong những ngày giá rét, nhiệt độ ngoài trời dưới 130C, không để trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đặc biệt vào những ngày nhiệt độ xuống thấp kèm theo sương muối cần nhốt vật nuôi trong chuồng kín gió, được sưởi ấm cả ngày đêm, đối với trâu bò sử dụng bao tải, bao tải dứa, bạt… để chống rét.
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khoẻ đàn vật nuôi, khi phát hiện vật nuôi bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; tổ chức tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch, chu kỳ nuôi.