Anh Nguyễn Danh Sơn ở thôn Kim Tân, xã Tân Lộc (Lộc Hà) chăm sóc đàn vịt cả ngàn con
Vụ hè thu này trên địa bàn có nhiều diện tích không sản xuất nên anh Nguyễn Danh Sơn ở thôn 3 - Kim Tân, xã Tân Lộc (Lộc Hà) đã đầu tư gần 4.000 con vịt để chăn thả trên cánh đồng trũng gần nhà.
Anh Sơn cho biết: “Lứa này tôi nuôi 4 ngàn con. Sau 2 tháng nuôi, tôi đã xuất bán 3 ngàn con, số còn lại chưa đạt trọng lượng nên để lại nuôi lớn hơn hoặc vịt mái chất lượng tốt giữ lại để nuôi đẻ trứng. Với giá từ 60 - 70 ngàn đồng/con, sau khi trừ chi phí, mỗi con lãi khoảng 15 ngàn đồng. Đây được xem là nguồn thu nhập rất tốt đối với những người nông dân như chúng tôi...”
Tận dụng cánh đồng chiêm trũng không sản xuất vụ Hè thu, nhiều người dân ở Tân Lộc, Ích Hậu, An Lộc (Lộc Hà) chăn thả hàng chục ngàn con vịt thương phẩm để tăng thu nhập...
Cũng như anh Sơn, hàng chục hộ chăn nuôi vịt khác ở Tân Lộc, An Lộc, Ích Hậu... đang đầu tư nuôi vịt quy mô hàng ngàn con để tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi và côn trùng trên các cánh đồng trong thời điểm không sản xuất. Tuy nuôi vịt khá vất vả, phải thường xuyên có mặt ngoài đồng nhưng bù lại, các nhà nuôi có thêm nguồn thu nhập khá và có được việc làm lúc nông nhàn thay cho đi làm thuê như trước đây.
Nếu ở những vùng có đồng thấp trũng người dân tập trung nuôi vịt và ngan thì ở các huyện có đồi núi người dân lại lựa chọn nuôi gà. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) chia sẻ: “Để tăng thu nhập, gia đình tôi thường nuôi ở quy mô 500 con gà thịt, 150-300 con gà đẻ trứng mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn con gà, hàng chục ngàn quả trứng chất lượng cao. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, ít dịch bệnh, thả ăn trên vùng đồi tự nhiên, chất lượng tốt nên thường được các trường học, đám cưới các gia đình có điều kiện tìm đến mua. Với mức lãi 2.000 đồng/quả trứng và 10 - 15 ngàn đồng/kg gà thịt thì lợi nhuận từ gà không chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống thường ngày mà còn giúp chúng tôi tái đầu tư vào các loại cây, con dài ngày khác...”
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) đang kiểm đếm trứng gà chuẩn bị cho khách sắp đến nhà mua..
Còn bà Mai Thị Huế (65 tuổi) ở thôn Trại Tuần, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê chia sẻ: "Nhà có vườn đồi nên tôi mua 150 con gà giống, chia làm 3 lứa theo các giai đoạn khác nhau về nuôi. Do gà là vật nuôi gần gũi, giống dễ mua, nguồn thức ăn có thể tận dụng được, dịch bệnh dễ kiểm soát và dễ bán nên tôi chẳng phải lo lắng tìm đầu ra".
Qua khảo sát cho thấy, nếu những loài vật nuôi khác phải đối mặt với nhiều phen lao đao thì những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm ở tỉnh ta cơ bản ổn định hoặc tăng trưởng nhẹ. Theo ước tính, tổng đàn gà, vịt trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 8,6 triệu con, sản lượng trứng ước đạt trên 270 triệu quả.
Trong thu nhập trên 300 triệu đồng/năm do chăn nuôi mang lại cho gia đình chị Nguyễn Thị Mai Soa ở thôn Đông Hà, xã Sơn Hà (Hương Sơn) có một nguồn thu quan trọng từ đàn gà hàng trăm con/lứa...
Ngoài phát triển về số lượng thì chất lượng đàn gia cầm cũng ngày càng được cải thiện, hình thức nuôi cũng thay đổi theo hướng hàng hóa, tập trung. Tuy không lãi nhiều nhưng chăn nuôi gia cầm đã và đang mang đến nguồn thu nhập ổn định và giúp giải quyết việc làm cho nhiều người dân nông thôn.