Theo “Đề án đẩy mạnh phát triển CN – TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo theo hướng bền vững, hiện đại” do Ban cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng, những năm qua, công nghiệp Hà Tĩnh có bước phát triển khá. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành CN nhìn chung chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, một số mục tiêu về CN đề ra tại Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 chưa đạt. Các khu CN, cụm CN được thành lập và phát huy hiệu quả nhất định nhưng so với yêu cầu còn nhiều hạn chế.
Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Nguyễn Đình Hải: Để phát triển CN bền vững, cần sớm hình thành chuỗi logistics. Ngoài ra, phải quan tâm đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư đối với hạ tầng giao thông nhằm kết nối với nhiều nơi.
Do vậy, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết nhằm bổ sung, điều chỉnh một số quy hoạch, chính sách của tỉnh; trên cơ sở xác định rõ các nhóm ngành CN cần thúc đẩy, từ đó đề ra các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng...nhằm phát triển CN – TTCN theo hướng bền vững, hiện đại.
Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất CN đạt khoảng 85.000 – 90.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.818 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn đầu tư của các dự án sản xuất CN).
Đại diện Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Việt Nhật Vũng Áng: Đầu tư cơ sở hạ tầng cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là ổn định cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm phát triển.
Trong nhiệm vụ và giải pháp, Đề án cũng xây dựng các giải pháp cụ thể đối với 3 nhóm ngành CN chủ lực của tỉnh, bao gồm: phát triển CN đối với một số dự án trọng điểm (luyện cán thép và sau thép, khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhiệt điện và năng lượng tái tạo), nhóm ngành CN nhẹ và CN hỗ trợ (dệt may, gỗ MDF, ván ghép thanh…), nhóm ngành CN nông thôn – TTCN (chế biến nông sản, chế biến lâm sản, chế biến thủy hải sản, ngành cơ khí nhỏ, phát triển làng nghề).
Đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa: Nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp hỗ trợ của Hà Tĩnh rất dồi dào, tuy nhiên giá thành rất thấp vì chưa được gia công. Vì vậy, đề án cần quan tâm khuyến khích các nhà đầu tư để phát triển máy móc gia công nguồn nguyên liệu này.
Tại hội thảo, một số đại biểu góp ý về nội dung đề án hơi dài, chưa tập trung được trọng tâm. Trong phần nhiệm vụ giải pháp, cần quan tâm hơn đến giải pháp hình thành chuỗi logistics – chuỗi cung ứng kết nối cảng Vũng Áng với vùng "hậu phương"; muốn phát triển CN thì đầu tiên phải phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; cần quan tâm khuyến khích các nhà đầu tư để phát triển máy móc gia công nguồn nguyên liệu cho CN phụ trợ; Formosa cần nhanh chóng đưa CN phụ trợ đi vào hoạt động vì một khi CN phụ trợ hoạt động thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp vào khu kinh tế Vũng Áng đầu tư.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà: Formosa cần nhanh chóng đưa CN phụ trợ đi vào hoạt động...
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nhấn mạnh: Phát triển CN là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT – XH của tỉnh và là động lực để phát triển các ngành kinh tế khác. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành đề án là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trong nhiệm vụ và giải pháp phát triển CN theo hướng bền vững, hiện đại, địa phương cũng xác định ưu tiên phát triển CN hiện đại, thân thiện môi trường; CN sử dụng được nguyên liệu trên địa bàn. Vì vậy, Tổ soạn thảo cần lưu ý để xây dựng nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Trên cơ sở những góp ý của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Tổ soạn thảo tiếp thu ý kiến và hoàn thiện đề án, trong đó phải cho các nhà đầu tư nhìn thấy quyền lợi, cơ hội của mình để thực hiện đầu tư chiến lược.