Sáng 26/10, Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất cam Khe Mây theo hướng hữu cơ. Tham dự hội thảo có: Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy; đại diện Sở NN&PTNT; lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm và UBND huyện Hương Khê.
Mô hình được thực hiện tại hộ anh Nguyễn Văn Đồng (thôn 3, xã Hương Đô) với 40 gốc cam và hộ anh Nguyễn Văn (thôn 1, xã Hương Đô) với 20 gốc cam. Trong ảnh: Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Thị Mai Thủy và lãnh đạo UBND huyện Hương Khê tham quan mô hình sản xuất tại hộ anh Nguyễn Văn Đồng.
Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung hỗ trợ 100% các loại phân bón: phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học gia truyền ông Lam, phân bón hữu cơ khoáng. Theo đó, quy trình bón phân được thực hiện trong 4 đợt, từ thời điểm sau kỳ thu hoạch của vụ trước, khi cây ra hoa, đậu quả 15 ngày và trước khi thu hoạch 1 - 2 tháng.
Quá trình thực hiện, công ty trực tiếp hỗ trợ bà con nông dân các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV thảo mộc, sinh học nhằm tăng cường phòng trừ sâu bệnh và hiệu quả cuối vụ. Đặc biệt, sản phẩm phân hữu cơ góp phần cải tạo đất, làm tăng độ mùn và kích thích hệ sinh thái phát triển để phục hồi đặc sản cam Khe Mây, đồng thời, giúp thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân theo hướng kinh tế nông nghiệp bền vững.
Đánh giá mô hình, sản phẩm cam sử dụng phân hữu cơ Quế Lâm cho quả to, đẹp, đồng đều và ngọt hơn so với cách thức sản xuất truyền thống. Năng suất đạt 50 - 70 kg quả/cây, tăng 20% so với trước khi thực hiện mô hình. Sau mô hình, Công ty TNHH MTV Nông sản Quế Lâm sẽ thu mua 100% sản lượng, trừ chi phí, lợi nhuận của 60 cây cam này là 48 triệu đồng.
Qua đánh giá từ mô hình, cam cho quả to, lá có màu xanh khá đều. Để mô hình có hiệu quả, đề nghị Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung cần có tổng hợp, đánh giá cụ thể về kỹ thuật nhằm đưa ra quy trình bón phân và quy trình sản xuất phù hợp với thực tiễn, chất đất của địa phương. Theo đó, tiếp tục đồng hành cùng huyện Hương Khê và Hội Nông dân tỉnh triển khai, mở rộng mô hình sản xuất cam theo hướng hữu cơ trên cam Khe Mây; có đánh giá theo từng năm, góp phần cùng địa phương phục hồi và phát huy hiệu quả kinh tế cây ăn quả, bảo vệ thương hiệu đặc sản cam Khe Mây. Cùng với đó, thực hiện cải tạo đất, môi trường sinh thái, từng bước thay đổi tư duy của bà con nông dân trong việc đầu tư thâm canh, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.