Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Sở NN&PTNN cần rà soát các vướng mắc, trình Bộ NN&PTNT trong thời gian sớm nhất, đồng thời tham khảo cách làm của các tỉnh để vận dụng những tình huống tương tự.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, số lượng kê khai thiệt hại ban đầu trên toàn tỉnh là 6.983 tàu cá; 2.259 ha nuôi ao, hồ, bãi triều; 31.692 m3 nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối; 47.960 lao động bị ảnh hưởng (lao động trực tiếp là 44.280 người, lao động gián tiếp là 3.680 người. Tổng giá trị thiệt hai sau khi kê khai, áp giá theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính Phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT là 1.947,24 tỷ đồng (thiệt hại trực tiếp là 1.882,99 tỷ đồng, thiệt hại gián tiếp là 64,25 tỷ đồng).
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nguyễn Cự Dũng: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc kê khai, cho các huyện rà soát lại các kho đông để có số liệu kiểm kê chính xác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân quay lại với hải sản, khuyến khích các tiểu thương quay lại kinh doanh hải sản.
Về công tác kê khai bổ sung theo hướng dẫn số 9723/BNN-TCTS ngày 16/11/2016 của Bộ NN&PTNT, số liệu sơ bộ bước đầu ghi nhận số lượng đối tượng lao động có tính chất đơn giản, không thường xuyên, thu nhập chính chiếm rất lớn, mỗi huyện có khoảng trên dưới 1.000 đối tượng kê khai.
Về kiểm kê, xử lý hải sản tồn kho: số thủy sản kiểm kê sau khi tiêu hủy cả tỉnh là 3.308,169 tấn. Về hải sản bị nhiễm độc, đã hoàn thành việc tiêu hủy 306 tấn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn: Trong quá trình kê khai, áp giá đền bù thiệt hại, nhiều trưởng thôn do áp lực công việc quá lớn, nhất là áp lực từ người dân nên đã xin nghỉ việc hoặc trốn tránh hợp tác với xã trong xác định đối tượng, gây khó khăn cho thực hiện các bước trong kê khai.
Về kết quả thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, tính đến hết ngày 03/01/2017, các địa phương đã phê duyệt được 752,13 tỷ đồng. Hội đồng cấp tỉnh đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 663,98 tỷ đồng; theo đó, các địa phương đã chi trả được 607,89 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục kê khai để chi trả trong thời gian tới.
Tình hình chi trả tiền diễn ra thuận lợi, người dân hợp tác thực hiện, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy vậy, việc huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn; một số đối tượng chưa có trong diện kê khai, bồi thường còn có hành vi phản đối, không đồng tình...
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Trần Hữu Duyệt: Trong quá trình giải ngân, một số đối tượng đã đi nước ngoài, một số đi làm ăn xa và một số có đơn thư phản ánh của công dân vì sai sót một số thông tin nên chưa tiến hành giải ngân được.
Trong quá trình kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến đối tượng, định mức. Khái niệm diễn giải chưa rõ hoặc chưa có trong quy định; hướng dẫn của Trung ương chưa được hiểu nhất quán dẫn đến nhiều đối tượng có sự tương đồng nhưng do các địa phương có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc thực hiện không thống nhất...
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị Sở NN&PTNN rà soát lại các vướng mắc để trình Bộ NN&PTNT trong thời gian sớm nhất, đồng thời đề nghị Bộ cho biết các tỉnh giải quyết các vướng mắc như thế nào để vận dụng những tình huống tương tự.
Xung quanh hồ sơ thẩm định, hội đồng cần thẩm định chặt chẽ. Về hồ sơ tiêu hủy hải sản nhiễm độc, đề nghị huyện Lộc Hà chậm nhất ngày 6/1 phải xong áp giá tiêu hủy. Riêng hồ sơ áp giá kho đông lạnh, hàng trong kho cần được kiểm định, áp giá đúng theo các mức mà Bộ NN&PTNN quy định. Tình huống đối tượng có 2, 3 thuyền thì chỉ được áp giá đền bù 1 thuyền...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện rà soát lại các tủ đông, kho đông lạnh để chốt con số chính xác nhất. Thẩm định hồ sơ thuộc hội đồng cấp tỉnh nhưng để giải thích cho các đối tượng thì trách nhiệm thuộc về cộng đồng thôn xóm. Vì vậy, quá trình thẩm định, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho bà con, tránh kiện tụng về sau.