Dù thiên nhiên khắc nghiệt, những mầm xanh vẫn vươn mình trỗi dậy. Ảnh: Sỹ Ngọ |
Đầu tháng 4, trời vẫn chưa vào hạ. Thế mà, trên những cồn cát trắng, bước chân đã trở nên bỏng rát. Cái nóng hầm hập nhanh chóng lan khắp người. Người dẫn đường là Phó ban dự án sản xuất rau - củ - quả của Tổng Công ty KS&TM (Mitraco) Hà Tĩnh - Nguyễn Như Hương dường như đã quen với cuộc sống ở làng cát giới thiệu: “Chưa ở đâu nắng thì ở đây đã rát mặt rồi. Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình 40-50oC, sẵn sàng thiêu đốt mọi thứ. Mặc nhiên, rau xanh vẫn bén mầm. Mùa lại mùa, nào cà chua, cải bắp, dưa hấu, dưa chuột vẫn phủ xanh những cánh đồng hoang mạc trắng này”.
Ở đây, cái gì cũng chuyên dụng, những chiếc ủng đến đầu gối, vừa giúp di chuyển dễ dàng trên cát lại bảo vệ đôi chân; những chiếc máy cày “cỡ bự” mới có thể băng băng trên cát, những chuyến xe trung chuyển với cái bánh cao gần bằng thân người đứng… Chẳng thể phân biệt được đâu là mùa chính, vì quanh năm, vùng sản xuất này mùa nào cũng có thu hoạch, mùa nào cũng có diện tích sản xuất mới. Cứ hết lứa này thì lứa kia đã sẵn sàng nảy mầm, chẳng cho đất nghỉ.
Ông Hương cho biết thêm: “Bây giờ, mỗi ngày, chúng tôi thu được khoảng 5-6 tấn rau - củ - quả. Mùa này đang thu ớt cay, bắp cải, dưa chuột, cà chua, cà rốt. Sắp tới là mùa của bầu bí và rau các loại. Qua nhiều năm sản xuất, kết hợp giữa việc ứng dụng tốt công nghệ tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt phù hợp với vùng sa mạc kết hợp với việc cải tạo đất, hiện sự thích ứng và năng suất các loại cây trồng khá ổn định”. Ngoài trên 30 loại cây cho thu hoạch chính thì tại vùng sản xuất hơn 100 ha của Mitraco còn có đến hàng trăm loại giống mới đang trong thời gian “thử thách”.
Công nhân Mitraco vừa thu hoạch sản phẩm mùa này, vừa chuẩn bị cây giống cho vụ sản xuất mới. Ảnh: Giang - Oanh |
Năm nay đã cận kề tuổi 80, cụ Võ Thị Yên (thôn Bắc Văn, Thạch Văn) vẫn không thể tin rằng, những động cát mênh mông lại có ngày được phủ một màu xanh ngút ngàn của rau - củ - quả. “Ngày trước, muốn đi qua đây, dân làng chúng tôi phải trải lá để tránh bỏng chân. Tôi vẫn nhớ như in ngày dự án “động thổ”, cả làng kéo đến xem. Chẳng ai có thể ngờ, bây giờ thì hàng trăm hộ dân đã được chuyển giao kỹ thuật trồng rau trên cát, có thể tự “đứng vững” trên mảnh vườn của mình rồi”. Chẳng phải nói, bây giờ, đến Thạch Văn, người ta được chứng kiến khí thế hừng hực thi đua sản xuất. Làng cát nghèo nhất nhì xứ biển ngang đã lùi xa vào quá khứ, thay vào đó là vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu và sôi nổi phát triển kinh tế. Sau “cú hích” của dự án sản xuất rau - củ - quả, xã đã có cả một vùng quy hoạch rau trên cát rộng lớn theo phương thức liên kết với doanh nghiệp nhằm hướng đến nền sản xuất hiện đại.
Đồng Trầm (Thạch Trị, Thạch Hà) cách đây 3 năm là vùng chuyên sản xuất lạc của bà con thôn Hồng Vinh. Khi được quy hoạch vùng sản xuất rau trên cát, vùng Đồng Trầm, sản xuất mùa nối mùa. Chị Nguyễn Thị Nga - Tổ trưởng Tổ hợp tác Hồng Bắc I cho biết: “Trước đây chỉ trồng một vụ/năm vì cát nóng thiêu đốt hết, sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật từ dự án, chúng tôi được trang bị thêm kiến thức về kỹ thuật, lựa chọn đúng loại giống. Nhờ vậy, sản xuất ổn định và hiệu quả kinh tế tăng cao. Vụ này, tổ hợp tác sản xuất ớt cay theo hình thức liên kết chuỗi khép kín với doanh nghiệp”.
Vào thời điểm này, HTX Thương mại, dịch vụ tổng hợp Hà Trung (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) đã thu hoạch mấy lứa rau - củ - quả kể từ vụ đông xuân 2015-2016. Chỉ trừ lứa củ cải gặp rét hồi đầu năm, còn lại gần như thời điểm nào, HTX cũng giành “thế thắng” trước thiên nhiên khắc nghiệt. Năng suất 20-30 tấn/ha, mỗi vụ, chỉ riêng cây trồng chủ lực cũng thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Có người nói, những kết quả hôm nay là sự tri ân nghĩa tình với làng cát. Trên những trảng cát hoang hóa, đói nghèo năm xưa, mầm xanh từng ngày trỗi dậy…