Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

(Baohatinh.vn) - Trận lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi lượng lớn thức ăn khô và làm nhiều ha ngô, khoai, sắn hư hỏng. Đàn gia súc của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Trận lũ hồi tháng 10 đã tác động xấu đến tình hình chăn nuôi của xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà). Ông Trần Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương thông tin: “Hơn 20 ha rau màu, trên 2 ha ngô của nông dân bị hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, lượng lớn rơm rạ ngâm trong nước bị nát nên hiện nay nông dân đang lo lắng về nguồn thức ăn cho gia súc.

Toàn xã hiện có trên 1.300 con trâu, bò thì có tới khoảng 1.000 con đang đứng trước nguy cơ thiếu đói. Nông dân đành phơi lại số rơm ít ỏi bị ngâm trong lũ, đi các địa phương khác mua rơm khô; người có điều kiện hơn thì có thể bổ sung cám cho trâu, bò. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến chi phí chăn nuôi tăng cao”.

Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

Sau mưa lũ, thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn Hà Tĩnh trở nên khan hiếm.

Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Lũ lên quá nhanh, nông dân trở tay không kịp nên toàn bộ thức ăn dự trữ cho trâu, bò bị cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều diện tích ngô, khoai bị hư hỏng nên thời điểm này nông dân các xã: Tân Lâm Hương, Thạch Thắng, Tượng Sơn, Thạch Đài... gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc đàn vật nuôi”.

Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

Sắn của gia đình ông Phạm Hữu Canh (xã Cẩm Mỹ , huyện Cẩm Xuyên) bị nước lũ ngâm hư hỏng.

Cẩm Xuyên cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ và nông dân đang phải chật vật tìm nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Gia đình bác Phạm Hữu Canh (thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Mỹ) là một trong số đó.

Bác Canh cho hay: “Nhà tôi có 8 con bò, vừa rồi bị lũ cuốn trôi 1 con. Toàn bộ lúa, gạo bị hư hỏng, thức ăn khô dự trữ cho bò cũng bị cuốn trôi. Đã thế, 1 mẫu ruộng trồng ngô, khoai, sắn cũng bị nước lũ ngâm thối. Thiệt hại sau mưa lũ nặng nề nên việc mua thức ăn cho bò đối với gia đình là rất khó khăn”.

Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

Người chăn nuôi phơi lại số rơm ít ỏi còn sót lại sau lũ để làm thức ăn cho đàn gia súc.

Gia đình ông Phan Văn Thuật (thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ) nuôi 3 con bò thịt và hiện cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Ông Thuật cho hay: “Lũ cuốn trôi của gia đình 3 tạ cây lạc khô, 1/2 lượng rơm dự trữ cũng hư hỏng. Ngoài ra, 1 sào ngô phục vụ chăn nuôi cũng hư hại. Để có nguồn thức ăn cho 3 con bò thịt, chúng tôi phải phơi lại số rơm ít ỏi và đi kiếm cỏ. Nhiều thời điểm phải bỏ tiền mua thêm cám cho bò ăn, chi phí đội lên cao”.

Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

Số ngô phục vụ cho chăn nuôi của gia đình ông Phan Văn Thuật (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) bị hư hại.

Chị Lê Thị Lệ - Phụ trách nông nghiệp xã Cẩm Mỹ cho biết: "Thống kê bước đầu, toàn xã có 533 tấn thức ăn gia súc bị hư hỏng hoàn toàn (chưa kể rơm rạ) do mưa lũ. Do vậy, 3.250 con trâu, bò của địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu đói”.

Không chỉ Cẩm Mỹ, nông dân các xã khác thuộc huyện Cẩm Xuyên cũng đang khó khăn trong việc tìm nguồn thức ăn cho trâu, bò.

Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

Sau mưa lũ, đàn gia súc của nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hiện nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện là 25.070 con. Trong đó, các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Bình... là những địa phương có đàn gia súc lớn và nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi sau mưa lũ khan hiếm. Nguyên nhân là do mưa lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng nguồn thức ăn gia súc mà bà con sản xuất. Ngoài ra, đồng ruộng bị ngâm trong nước lũ lâu ngày nên cỏ cũng bị thối chết".

Cũng theo ông Danh, để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục sản xuất, huyện đã hỗ trợ 2,5 tấn giống ngô phục vụ chăn nuôi. Địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tranh thủ thời tiết nắng ráo, tiến hành làm đất, xuống giống để sớm có nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi.

Sau mưa lũ, nông dân Hà Tĩnh chật vật tìm thức ăn cho gia súc

Nông dân khôi phục lại đồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay: “Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh... là những địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão lũ. Nguồn thức ăn cho gia súc ở đây có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm. Ngoài ra, bùn đất và khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn gia súc. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc chu đáo, không bị bỏ đói, không ăn những loại thức ăn bị mốc, hư hỏng; hạn chế uống nước bẩn...

Ông Hùng còn cho hay: Chuồng trại cho gia súc sau lũ cần tiêu độc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, che chắn kín gió, tôn nền khô ráo hơn và vệ sinh dụng cụ chăn nuôi thật tốt để tránh mầm bệnh. Đặc biệt, những gia đình có đàn gia súc lớn nên có kế hoạch xuất bán hợp lý vì trong thời kỳ này nguồn thức ăn khan hiếm và để hạn chế rủi ro do dịch bệnh có thể xảy ra. Đến khi tình hình sản xuất ổn định trở lại thì có thể gây dựng đàn mới.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.