Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì buổi làm việc
Để xây dựng Đề án tỉnh NTM giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công thương Hà Tĩnh đã cử thành viên tham gia ban soạn thảo và tổ giúp việc soạn thảo đề án, đồng thời góp ý dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025.
Về tiêu chí điện, nhìn chung, hệ thống điện trung, hạ áp cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong vận hành với hệ thống điện phân phối theo quy định. Lưới điện trung áp, hạ áp, đường dây sau công tơ… đảm bảo an toàn điện theo quy chuẩn kỹ thuật điện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn, thường xuyên từ lưới điện quốc gia đạt 100%.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Để dự báo, đánh giá hết các yếu tố ảnh hưởng, xây dựng Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đề nghị Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sau khi dự thảo đề án, gửi xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương trước khi trình ban hành.
Để đạt chuẩn tiêu chí điện trong bộ tiêu chí tỉnh NTM, ngành công thương đề xuất cần đầu tư phát triển hệ thống đường dây và trạm biến áp 110 kV theo quy hoạch phát triển điện lực đã được Bộ Công thương phê duyệt; nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp, trung áp đảm bảo nhu cầu sử dụng điện…
Dự kiến, nguồn kinh phí để nâng cấp cải tạo hệ thống trạm biến áp, đường dây, lưới điện… trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.
Những năm qua, ngành điện tập trung đầu tư hệ thống điện trung, hạ áp cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong vận hành với hệ thống điện phân phối theo quy định
Đối với tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 142 chợ quy mô hạng 3 đang hoạt động. Ngoài chợ, toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại và 3 siêu thị, 289 cửa hàng tiện lợi, 1.820 cửa hàng kinh doanh tổng hợp từng bước phát triển.
Chợ đầu mối Hương Bình (TP Hà Tĩnh) được đưa vào sử dụng năm 2019.
Trên cơ sở hiện trạng thực tế, ngành công thương đề xuất xây dựng phương án, kế hoạch nâng cấp, cải tạo các chợ đã đạt chuẩn, đảm bảo tính bền vững và nâng cao tiêu chí. Huy động nguồn lực đầu tư siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại các địa bàn không quy hoạch chợ. Tuyên truyền người dân quen với việc mua bán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử uy tín.
Dự kiến, nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 315 tỷ đồng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn ghi nhận ngành công thương thời gian qua đã tích cực, chủ động tham mưu, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí của ngành phụ trách; tham gia ban soạn thảo và tổ giúp việc soạn thảo đề án, đồng thời góp ý dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng cho rằng, việc xây dựng tỉnh NTM cũng là cơ hội để ngành công thương được đầu tư, hoàn thiện, nâng cao về cơ sở hạ tầng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công thương tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết theo tiêu chí ngành phụ trách để tích hợp vào đề án tỉnh NTM; khảo sát, đánh giá đúng hiện trạng để xây dựng kế hoạch, cơ chế huy động nguồn lực sát đúng thực tiễn, mang tính khả thi cao; tiếp tục chủ động, tham gia tích cực trong việc soạn thảo đề án, góp ý Bộ tiêu chí tỉnh NTM.