Sở NN&PTNT Hà Tĩnh “mách nước” trừ dịch hại trên lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Trước diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết và tình hình dịch hại trên cây trồng, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã đôn đốc bà con nhân dân phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Sở NN&PTNT Hà Tĩnh “mách nước” trừ dịch hại trên lúa xuân

Nông dâ xã Sơn Lộc (Can Lộc) đang tích cực xuống đồng phun thuốc trừ bệnh khô vằn trên lúa xuân. Ảnh: Nguyễn Oanh

Lúa Xuân hiện đang giai đoạn làm đòng - trổ bông, có khoảng 100ha lúa đã trổ tại Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội (Nghi Xuân). Dự kiến thời gian trổ của lúa Xuân 2021 trước 15/4 khoảng 2.000ha (vùng Hạ Hương Sơn; Lâm Trung Thủy, các xã ngoài đê Đức Thọ; các xã biển ngang Thạch Hà; Thạch Mỹ, Mai Phụ huyện Lộc Hà, các xã trà sơn huyện Can Lộc); từ 15 - 20/4, khoảng 18.000ha; từ 20 - 25/4, khoảng 35.000ha; diện tích còn lại trổ sau 25/4, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên cổ lá ở một số địa phương như: Đức Hương, Hương Minh, Đức Lĩnh (Vũ Quang); Thạch Văn, Thạch Khê (Thạch Hà); Cẩm Quan, Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); Đức Thuận, Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh), trên các giống TBR225, BQ, Bắc Hương 9, RVT, KD18, Thiên ưu 8, VRN20, P6;

Bệnh bạc lá phát sinh gây hại trên giống Thái Xuyên 111, ADI168, Nếp, KD18, diện tích nhiễm 65ha, phân bố tại Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ,...;

Bệnh khô vằn diện tích nhiễm bệnh khoảng 800ha phân bố trên toàn tỉnh; rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại dạng ổ mật độ trung bình 100-200 con/m2, nơi cao 400-500 con/m2, rầy tuổi 3, tuổi 4, tuổi 5 tại An Dũng, Lâm Trung Thủy (Đức Thọ), Thạch Văn (Thạch Hà).

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến 15/4, khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa suy yếu gây mưa rào và dông, sáng sớm có sương mù, ngày có lúc nắng yếu, nhiệt độ trung bình 22 - 27 độ C tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa Xuân.

Trước diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết và tình hình dịch hại, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng, từng giống để chỉ đạo, hướng dẫn phun phòng kịp thời. Cụ thể: triển khai phun phòng số diện tích lúa trổ trước 15/4; đối với diện tích lúa trổ sau 15/4, cần theo dõi diễn biến thời tiết, thời điểm trổ tập trung, cơ cấu giống để quyết định diện tích cần phun phòng.

Thời điểm phun phòng khi lúa trổ vè và phun lại lần 2 sau 5-7 ngày khi kết thúc trổ bằng một trong các loại thuốc: Beam 75WP, Stamonas 45WP, Fukasu 42WP, Kasoto 200SC, Fuji one 40WP, Filia 525 SE, Ninja 35SE, Flash 75WP, Kabim 30WP, Sako 20WP.

Đối với bệnh bạc lá: Tập trung xử lý kịp thời số diện tích đã nhiễm bệnh, đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun phòng trừ bệnh bạc lá trên diện tích gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh như Thái Xuyên 111, nếp, KD18 và những diện tích hàng năm bệnh phát sinh gây hại, sử dụng một trong các loại thuốc: Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xantocin 40WP.

Đối với bệnh khô vằn: Tập trung điều tra phát hiện và hướng dẫn phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc: Vida 5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt super 300ND.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Trước mắt tập trung xử lý các diện tích rầy dạng ổ để hạn chế nguồn phát tán, lây lan. Đồng thời thường xuyên giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng các vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại. Khi phát hiện tổ chức khoanh vùng, cắm vè, hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2.

Thời điểm tổ chức phòng trừ lứa rầy tiếp theo sau 15/4/2021, căn cứ thời điểm rầy nở rộ, mật độ rầy tại từng địa phương để tiến hành phòng trừ đảm bảo hiệu quả, sử dụng một trong các loại thuốc: Chess 50WG, Bassa 50EC, Dantotsu 50WG, Ba Đăng 300WP, Azora 350EC, Anchies 250WP.

Lưu ý: Khi phun thuốc phải rẽ lúa thành những băng rộng 0,5-0,6m, điều tiết nước hợp lý, phun đảm bảo cho thuốc tiếp xúc với rầy, sau khi phun thuốc 4-5 ngày kiểm tra nếu mật độ rầy trên đồng ruộng còn cao tiến hành phun lại lần 2.

Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ tình hình sản xuất tại địa phương tập trung chỉ đạo phòng NN&PTNT/phòng kinh tế, trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, đôn đốc bà con nhân dân phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast