Xã Kỳ Thọ - từng là "rốn đói" của huyện Kỳ Anh đang quyết tâm đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019. Ảnh: Trần Công Việt
Càng khó khăn thì càng phải quyết tâm làm NTM
Trong suốt 10 năm triển khai xây dựng NTM (trong đó có 5 năm được thành lập mới), huyện Kỳ Anh phải trải qua những biến cố lớn: ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, cơn bão số 10 năm 2017 gây thiệt hại nặng nề...
Vượt lên tất cả, Đảng bộ và nhân dân huyện mới Kỳ Anh vẫn một lòng hướng về mục đích chung - xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến nay, diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,57 triệu đồng/người/năm (2013) lên 31,67 triệu đồng (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,44% năm xuống 7,07%; toàn huyện đã có 10 xã đạt chuẩn NTM ...
Lãnh đạo huyện luôn sâu sát, gắn bó với nhân dân...
Theo Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hoàn, trước tiên huyện xác định, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước; đồng thời coi đây là cơ hội không thể tốt hơn để có thể sớm đổi thay cuộc sống của nhân dân. “Không phải vì khó khăn mà không làm được NTM mà ngược lại, càng khó khăn thì càng phải tiến hành làm NTM để đưa cuộc sống đi lên”.
Ngay từ những ngày đầu bắt tay làm “cuộc cách mạng” NTM, cấp ủy, chính quyền đã xác định, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; làm NTM là làm cho dân, người dân là chủ thể. Vì vậy phải kiên trì, bền bỉ, kiên quyết, khéo léo trong vận động nhân dân; nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu; lấy sức dân để lo cho dân…
... Và nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu.
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, quy trình thực hiện bài bản trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng NTM ở Kỳ Anh đã thực sự chuyển từ thế bị động sang chủ động, từ yêu cầu trở thành nhu cầu của người dân.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững
Với địa hình trải dài từ rừng núi xuống biển, huyện xác định 3 vùng sinh thái để cơ cấu phát triển các lĩnh vực sản xuất phù hợp, gồm: vùng thượng phát triển vườn rừng, cây chè, chăn nuôi đại gia súc; vùng giữa phát triển cây lúa theo hướng thâm canh, xây dựng chuỗi liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ; vùng biển phát triển du lịch, dịch vụ, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản.
10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã xây dựng được 1.144 mô hình
Trong gần 10 năm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là trong 5 năm thành lập huyện, sản xuất của Kỳ Anh đã có bước chuyển quan trọng; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, hiệu quả. Năng suất lúa từ 43 tạ/ha (năm 2011) tăng lên 54 tạ/ha (vụ xuân 2019); xây dựng cánh đồng 1 giống trên 1.900ha, cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ 27ha… Cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực người dân các xã vùng thượng với tổng diện tích đạt gần 500 ha. Trong đó, 100% diện tích được sản xuất theo hình thức VietGap, được liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ.
Cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân các xã vùng thượng
Từ một địa phương phát triển chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, đến nay, toàn huyện Kỳ Anh có 11 trang trại chăn nuôi lợn tập trung và nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khác. Tận dụng tiềm năng dồi dào, huyện tranh thủ các dự án cải tạo, mở rộng diện tích nuôi tôm tại các xã trọng điểm như: Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Khang...; từng bước đầu tư chuyển hướng từ nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh tăng năng suất và sản lượng. Đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi tôm của huyện đạt trên 400 ha.
Kỳ Anh đang từng bước đầu tư chuyển hướng từ nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh tăng năng suất và sản lượng
Trong gần 10 năm qua, nhờ tập trung đầu tư cao trên nhiều lĩnh vực cho phát triển sản xuất với số tiền gần 20 tỷ đồng, toàn huyện đã xây dựng được 1.144 mô hình, trong đó có 71 mô hình có doanh thu trên 1 tỷ đồng, 101 mô hình có doanh thu 500 triệu đến dưới 1 tỷ, 972 mô hình có doanh thu từ 100 đến 500 triệu đồng; thành lập được hơn 278 doanh nghiệp; 101 HTX; 414 THT.
Nhận thức của người dân - tài sản vô giá
Với nhiều tấm gương sáng trong phong trào hiến đất, hiến của xây dựng hạ tầng, Kỳ Tiến đã hoàn thành các tiêu chí NTM vào cuối cuối năm 2018
Về Kỳ Anh, không khó để được nghe kể hay được tiếp xúc với những tấm gương sáng trong phong trào hiến đất, hiến của để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trong số đó, là ông Nguyễn Quốc Diện ở thôn Hồ Hải, xã Kỳ Tiến, người tiên phong cho máy đến phá cổng nhà mình trước để khơi ngòi cho hàng chục hộ gia đình, trong một ngày đồng loạt phá cổng nhường đất với hàng ngàn mét vuông để công trình đảm bảo tiến độ.
Bí thư Chi bộ thôn Phúc Thành 2 - xã Kỳ Thượng tiên phong xây dựng vườn mẫu
Ông Nguyễn Xuân Toán - Bí thư Chi bộ thôn Phúc Thành 2 - xã Kỳ Thượng, một cán bộ thôn trên 70 tuổi vẫn ngày ngày chăm chút cho khu vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng năm mà vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc của thôn. Ông Toán tâm sự: “Nếu còn sức là sẽ còn cống hiến, bởi làm NTM chính là làm cho chính mình, cho con cháu mình và cho muôn đời sau”.
Xã miền núi Kỳ Sơn đang hội tụ sức mạnh đồng thuận của nhân dân để hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2019
Đó là sự quyết tâm của người dân xã Kỳ Sơn “dám” vượt lên khó khăn của địa bàn miền núi, đồng lòng cùng với cả hệ thống chính trị quyết đăng ký đạt chuẩn NTM trước 1 năm (cuối năm 2019).
Nói về những kết quả trong gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn phấn khởi cho biết, 10 năm, thời gian chưa dài đối với một cuộc cách mạng xây dựng NTM, tuy nhiên với những đổi thay toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đã minh chứng được sức bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.
Cán bộ, nhân dân Kỳ Anh vui mừng chia sẻ những thành quả trong chương trình xây dựng NTM
"Sức bật đó chính là sự kết tinh từ chương trình, kế hoạch chiến lược, chu đáo, bài bản; đó là sự kiên trì, bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân; đó là sự tận tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trước cuộc sống của nhân dân… Song lớn hơn hết, đó vẫn là nhận thức của mỗi người dân về NTM và xây dựng NTM được nâng cao; người dân đã thực sự là chủ thể. Chúng tôi coi đây vừa là kết quả, là cơ sở vững chắc cũng vừa là vốn tài sản vô giá của huyện trong chặng đường phấn đấu tiếp theo” - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nhấn mạnh.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Huyện Kỳ Anh phấn đấu năm 2021, có 100% xã đạt chuẩn. Đến năm 2023, huyện đạt chuẩn huyện NTM theo hướng gắn với phát triển du lịch. Đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đạt 80-100 triệu đồng/ha. - Giai đoạn 2025 - 2030: Có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 70% xã đạt NTM kiễu mẫu; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo các chỉ tiêu phát triển bền vững. |