Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự đồng thuận, sẻ chia của các gia đình, dòng họ là “chìa khóa” để thực hiện tốt vấn đề di dời mồ mả trong giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.

24 phần mộ trong dòng họ ông Nguyễn Văn Hoàn (SN 1965, thôn Nam Mỹ Lợi, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Hoàn, việc cất bốc mồ mả không đơn giản là bồi thường, hỗ trợ bao nhiêu tiền, mà là chuyện tâm linh, phải tính toán tới nhiều yếu tố.

Những trăn trở của ông Nguyễn Văn Hoàn cũng là băn khoăn chung của các hộ gia đình, dòng họ khác có các phần mộ cần di dời để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo báo cáo, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) có chiều dài 4,2km, diện tích đất cần thu hồi là 35 ha, trong đó, có phần đất 491 ngôi mộ của 21 dòng họ và 49 hộ gia đình.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Văn Hoàn đại diện cho dòng họ nhận số tiền 410 triệu đồng để di dời, cất bốc 24 phần mộ.

Nắm rõ tâm tư của người dân, chính quyền xã Kỳ Văn đã phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Kỳ Anh tổ chức nhiều cuộc họp với các gia đình, dòng họ có mồ mả nằm trong phạm vi GPMB dự án để “thông tỏ” việc triển khai dự án cũng như tiếp nhận, giải thích các băn khoăn, kiến nghị của người dân.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Công tác tuyên truyền, vận động người dân cất bốc các phần mộ nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc - Nam gặp một số khó khăn do liên quan tới vấn đề tâm linh.

“Người Việt Nam luôn có quan niệm “sống cậy nhà, già cậy mồ” nên việc di dời, cất bốc mồ mả gặp nhiều khó khăn, không đơn giản như việc đền bù đất nông nghiệp hay các loại đất khác. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã tập trung vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước trong triển khai dự án”, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Văn Nguyễn Tiến Điền chia sẻ.

Nhờ việc kiên trì vận động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và “mưa dầm thấm lâu”, các hộ gia đình, dòng họ có mồ mả nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn xã Kỳ Văn đã cơ bản đồng thuận với việc di dời, cất bốc các phần mộ tới nơi mới.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Người dân xã Kỳ Văn ký xác nhận trước khi nhận tiền bồi thường, di dời các phần mộ.

Ngày 29/10 vừa qua, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Kỳ Anh đã tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ di dời mồ mả cho các hộ gia đình, dòng họ ở xã Kỳ Văn bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hoàn đại diện cho dòng họ nhận số tiền 410 triệu đồng cho việc cất bốc 24 ngôi mộ.

“Dù khó khăn nhưng vì lợi ích chung của dự án nên mọi người trong dòng họ nhất trí về việc cất bốc, di dời mồ mả nhường đất cho dự án. Tôi thấy quá trình kiểm đếm, áp giá bồi thường, hỗ trợ di dời mồ mả của dòng họ được các cấp chính quyền thực hiện công khai, minh bạch nên rất tin tưởng. Mong rằng địa phương sẽ sớm hoàn thành khu nghĩa trang mới để chúng tôi tiến hành cất bốc, xây dựng mồ mả mới cho người đã khuất”, ông Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đồng thuận, sẻ chia của gia đình, dòng họ được xem là “chìa khóa” để giải quyết việc cất bốc các phần mộ nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua huyện Kỳ Anh có chiều dài 24,41km. Diện tích đất phải thu hồi 223,48 ha, trong đó cần phải di dời là 676 ngôi mộ của 111 gia đình, dòng họ ở các xã Kỳ Phong, Kỳ Tân, Kỳ Văn, Kỳ Trung

Ngoài xã Kỳ Văn, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Kỳ Anh cũng đã triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ di dời mồ mả cho các gia đình, dòng họ ở xã Kỳ Tân. Đến nay, huyện Kỳ Anh đã chi trả được cho 89 trường hợp với tổng số tiền gần 7,2 tỷ đồng.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Khu vực nghĩa trang Phát Lát (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.

Để triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 102,38km đi qua địa bàn, bên cạnh thu hồi các loại đất, di dời 800 hộ dân thì các địa phương ở Hà Tĩnh cần phải cất bốc khoảng 800 ngôi mộ.

Theo tìm hiểu của PV Báo Hà Tĩnh, so với diện tích đất nông nghiệp, đất ở thì phần đất mồ mả cần thu hồi là không lớn. Tuy nhiên, công tác di dời, cất bốc lại khá phức tạp do liên quan tới vấn đề tâm linh của các gia đình, dòng họ.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Hà Tĩnh cần di dời khoảng 800 ngôi mộ để phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dù khó khăn là vậy nhưng các cấp chính quyền đã nỗ lực triển khai phần việc này đảm bảo tiến độ đề ra. Sự quyết tâm nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận sẻ chia của chính các gia đình, dòng họ được xem là “chìa khóa” để người dân đồng thuận trong việc di dời, cất bốc các phần mộ nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án cao tốc Bắc – Nam.

Ngoài huyện Kỳ Anh thì Can Lộc là địa phương tiếp theo chi trả số tiền hơn 327 triệu đồng cho 14 gia đình, dòng họ ở xã Kim Song Trường trong việc di dời 37 ngôi mộ.

Tạo đồng thuận trong việc di dời mồ mả phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Can Lộc kiểm tra thực tế các phần mộ cần di dời để thực hiện dự án.

“Công tác giải thích, tuyên truyền, vận động người dân, dòng họ di dời mộ thường vất vả, mất thời gian hơn so với phần việc khác. Tuy nhiên, địa phương luôn cố gắng tiếp thu, giải quyết thấu đáo các kiến nghị của người dân để mọi người cùng đồng thuận cất bốc các phần mộ. Tới nay, người dân đã đồng thuận cao và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ trong di dời mộ phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam”, Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường Nguyễn Quốc Việt cho hay.

Thời gian qua, các địa phương ở Hà Tĩnh cũng đã tiến hành vận động, tuyên truyền các gia đình, dòng họ có người mới mất tìm điểm phù hợp mai táng, không chôn cất ở phần nghĩa trang, vùng đất nằm trong phạm vi GPMB thực hiện dự án. Cùng đó, các địa phương có liên quan đang trình thẩm định, phê duyệt các khu nghĩa trang để đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ người dân di dời các phần mộ ra nơi mới.

Để đảm bảo yêu cầu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023, cùng với việc chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp, đất ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương ở Hà Tĩnh đang nỗ lực đẩy nhanh việc kiểm đếm, áp giá và chi trả tiền bồi thường, di dời mồ mả thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.

Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, sẻ chia của người dân và các dòng họ trong việc di dời mồ mả có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo giúp Hà Tĩnh hoàn thành việc bàn giao mặt bằng dự án đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Chủ đề GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.