Ngày 4/9, Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Thạch Hà để nghe và cho ý kiến phương án sản xuất kinh doanh các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020
Sau khi được Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh chấp thuận 33 ý tưởng sản phẩm OCOP đủ điều kiện xây dựng phương án sản xuất kinh doanh (SXKD), huyện Thạch Hà đã tập trung chỉ đạo các cơ sở triển khai thực hiện.
Tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2020, hướng dẫn xây dựng phương án SXKD phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ban hành công văn về việc hỗ trợ hoàn thiện phương án SXKD các sản phẩm tham gia OCOP; tổ chức họp nghe, cho ý kiến các phương án SXKD...
Tính đến ngày 3/9/2020, Thạch Hà đã có 32/33 phương án SXKD phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020 (trừ sản phẩm Rượu nếp sim Nam Hương).
Đại diện Công ty An Phát (Tân Lâm Hương) đề xuất cần ban hành hướng dẫn cụ thể để triển khai các mô hình liên kết.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến thực hiện chương trình; đồng thời đề xuất các phương án, giải pháp cũng như cách thức tổ chức triển khai thực hiện.
Đại biểu đề xuất hỗ trợ các chính sách liên quan đến thực hiện chương trình, đặc biệt là về đất đai để mở rộng sản xuất; xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP (về ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ); xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình và về huy động nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư triển khai, thực hiện; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; liên kết; đào tạo quản trị, khởi nghiệp, đào tạo nghề...
Chủ cơ sở Lê Hoài Thu (xã Tân Lâm Hương) đề xuất phương án hỗ trợ mở rộng đất đai để phát triển sản phẩm Bánh ram Anh Thu.
Các đại biểu cũng đã làm rõ hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP như: một số chủ thể tham gia chưa thực sự chủ động, còn lúng túng trong lập phương án SXKD. ..
Những vướng mắc của chủ cơ sở sản xuất trình bày tại buổi làm việc đã được Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG tỉnh và các phòng, ngành huyện Thạch Hà tiếp thu, phân tích, giải đáp và sớm tìm phương án tháo gỡ.
Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG tỉnh) Lê Xuân Tùng cho rằng: Các chủ cơ sở sản xuất cần rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng cơ sở vật chất; ưu, nhược điểm của từng sản phẩm tham gia chương trình trước khi “rót” vốn đầu tư.
Ông Lê Xuân Tùng đề nghị xem xét, nghiên cứu kỹ các nội dung mang tính khả thi để hoàn thiện phương án SXKD; việc lập phương án SXKD phải song song với phát triển sản phẩm OCOP.
Đánh giá thêm về các phương án SXKD được trình bày tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho rằng: Các phương án còn khá sơ sài, chưa bám sát thực tế; chưa phù hợp với các chính sách, quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu: Sản phẩm OCOP không chạy đua theo số lượng mà phải chú trọng nâng cao chất lượng để đảm bảo tính bền vững.
Thời gian tới, chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tập trung cao hơn cho việc hoàn thiện nội dung của phương án SXKD; không chạy đua theo số lượng, nâng cao chất lượng để tạo tính bền vững cho sản phẩm OCOP; chủ cơ sở cần tham khảo ý kiến của đội ngũ tư vấn để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho việc phát triển sản phẩm; cập nhật các số liệu, dữ liệu về sản phẩm để lưu trữ...
Thạch Hà sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để trình tỉnh trong thời gian sớm nhất (dự kiến trước 20/9/2020).