Thạch Hà nỗ lực bảo vệ an toàn đê điều trước cảnh báo sạt lở, mưa lớn

(Baohatinh.vn) - Trước dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chủ động, kịp thời triển khai phương án nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Thạch Hà nỗ lực bảo vệ an toàn đê điều trước cảnh báo sạt lở, mưa lớn

Một số đoạn đường trên tuyến đê Hữu Nghèn (đoạn từ cầu Già đến cầu Cánh Cạn, xã Thạch Kênh) đã xói lở, xuống cấp.

Tuyến đê Hữu Nghèn có tổng chiều dài 19 km, lý trình từ K13+00 đến K26+00 và K26+00 đến K32+00, bắt đầu từ cầu Già (xã Thạch Kênh), kết thúc tại cống Miếu Rỏi (thị trấn Thạch Hà), đi qua địa bàn các xã Thạch Kênh, Thạch Sơn và thị trấn Thạch Hà. Dọc tuyến có 28 cống dưới đê, làm nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt và tiêu thoát lũ.

Ở thời điểm hiện tại, tuyến đê Hữu Nghèn đoạn K17 – K24 (từ cầu Cánh Cạn, xã Thạch Kênh đến cống Đò Điệm, xã Thạch Sơn) đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số đoạn đường trên tuyến đê này bị xói lở và thậm chí có nơi, mặt đường chỉ còn lại 1/3 so với trước. Những ngày mưa lớn như đợt này, mặt đê trơn, lầy, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Nằm dọc tuyến đê Hữu Nghèn chạy qua, trang trại của gia đình ông Trương Thế Cường (thôn Chi Lưu, xã Thạch Kênh) rộng 8,6 ha, hiện đang nuôi 300 con gà, 400 con vịt và ao cá với hơn 2 tạ con giống.

"Để vào đến cổng trang trại vào những ngày mưa lớn như mấy ngày qua, tôi vô cùng vất vả khi lưu thông trên đường đê. Do một số đoạn đã bị xói lở nên việc điều khiển xe máy cũng không hề dễ dàng. Ngoài các biện pháp đảm bảo an toàn vật nuôi, tôi còn huy động người thân đắp đất, bao cát để bảo vệ bờ đê gần trang trại, tránh mưa lớn gây sạt lở” - ông Cường chia sẻ.

Thạch Hà nỗ lực bảo vệ an toàn đê điều trước cảnh báo sạt lở, mưa lớn

Hiện, các trang trại nằm sát tuyến đê Hữu Nghèn đã chủ động các phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

Trên tuyến đê Hữu Nghèn, đoạn từ K13+00 đến K14+00 và đoạn từ K16 đến K24 mặt đê bằng đất, nhỏ, bị xói lở nghiêm trọng; đoạn từ K14+00 đến K16+00 đã được nâng cấp nhưng chỉ đắp áp trúc. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh đang triển khai cứng hóa 4,26 km, đoạn từ xã Thạch Kênh (K16) đến (K20+26) xã Thạch Sơn và dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành. Như vậy, ngoài chiều dài đang được đầu tư nâng cấp, tuyến đê Hữu Nghèn còn gần 7 km là đê đất, nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Dự báo mưa lớn xảy ra trên địa bàn, những ngày qua, chính quyền xã Thạch Kênh đã khẩn trương đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở việc thực hiện các giải pháp bảo toàn tài sản. Bên cạnh đó, địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vật tư tại chỗ như bao tải, cát, phên, cọc tre… để ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Thạch Hà nỗ lực bảo vệ an toàn đê điều trước cảnh báo sạt lở, mưa lớn

Hiện, xã Thạch Sơn đã xây dựng phương án, kịch bản kỹ lưỡng để bảo vệ tuyến đê trên địa bàn.

Trong khi đó, tuyến đê Hữu Nghèn đi qua xã Thạch Sơn được chia thành 3 đoạn: Từ cống Bara Đò Điểm về đến giáp Thạch Long; từ thôn Sông Tiến đến cống Hói Trẽn (giáp Thạch Kênh) và từ nhà thờ giáo họ Thanh Thủy đến Bara Đò Điểm. Trong đó, đoạn từ cống Bara Đò Điểm về đến giáp Thạch Long và từ thôn Sông Tiến đến cống Hói Trẽn (giáp Thạch Kênh) đã được nâng cấp, sửa chữa; còn đoạn từ nhà thờ giáo họ Thanh Thủy đến Bara Đò Điểm chưa được nâng cấp.

Những ngày này, xã Thạch Sơn thường xuyên cử các cán bộ kiểm tra hiện trạng để báo cáo với ban chỉ đạo nhằm đưa ra các phương án kịp thời xử lý.

Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Đặng Hữu Diệu: "Cùng với việc chuẩn bị vật tư phục vụ công tác hộ đê, chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm để ngăn chặn kịp thời các hành vi như: Lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, để vật liệu xây dựng trên đê, lắp dựng cột điện… trong hành lang bảo vệ đê.

Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành xem xét, bổ sung kinh phí để thực hiện bảo dưỡng, nâng cấp, sửa chữa... phù hợp với quy hoạch và mở rộng mặt đê kết hợp giao thông; xử lý dứt điểm các vị trí trọng điểm, xung yếu trên các tuyến đê nhằm phục vụ công tác phòng chống lụt bão đạt hiệu quả".

Thạch Hà nỗ lực bảo vệ an toàn đê điều trước cảnh báo sạt lở, mưa lớn

Ông Nguyễn Văn Luận (thôn Sông Tiến, Thạch Sơn) kéo lưới bảo vệ ao cá trước mưa bão.

Tương tự, tuyến đê Hữu Phủ đoạn qua xã Đỉnh Bàn dài 5,4 km hiện nay đã bị hư hỏng, một số vị trí bị sụt mái, gãy tường chắn sóng. Để đảm bảo an toàn trước mưa lớn, chính quyền địa phương cũng đã cử lực lượng quản lý, giám sát.

“Từ tháng 6/2021, dự án nâng cấp sửa chữa tuyến đê Hữu Phủ đoạn từ K15+500 đến K19+300 chính thức khởi động. Xã cũng đã huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ đơn vị thi công khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, các kịch bản đối phó trước mưa lớn cũng được tính toán kỹ lưỡng theo từng cấp độ. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, xác định điểm xung yếu để có phương án bảo vệ phù hợp” - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn Nguyễn Viết Hải thông tin.

Thạch Hà nỗ lực bảo vệ an toàn đê điều trước cảnh báo sạt lở, mưa lớn

Người dân Thạch Hà đưa thuyền vào bờ tránh mưa lớn.

Hiện nay, huyện Thạch Hà đang triển khai thi công (các cống dưới đê) đoạn từ cầu Cửa Sót xã Đỉnh Bàn đến cống số 1 xã Đỉnh Bàn với tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng. Đối với đoạn từ cầu Thạch Đồng (xã Thạch Khê) đến cầu Cửa Sót (xã Đỉnh Bàn) đang chuẩn bị thi công với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho biết: Toàn huyện có 2 tuyến đê Hữu Nghèn và Hữu Phủ với tổng chiều dài 38,3 km (trong đó, đê Hữu Nghèn dài 19 km và Hữu Phủ dài 19,3 km); ngoài ra còn 1 tuyến kè sông Cày dài 6,041 km. Trong vùng các tuyến đê, kè có hơn 50.000 người đang sinh sống, trên 4.000 ha đất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng vùng đê, kè có nhiệm vụ bảo vệ khi bão lũ xảy ra, ổn định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân

Nhằm ứng phó với sạt lở, mưa lớn, huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn; chuẩn bị các vật tư tại chỗ để kịp thời xử lý. Đồng thời, giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện có phương án bảo vệ các công trình đang thi công dang dở, đặc biệt là dự án nâng cấp sửa chữa tuyến đê Hữu Phủ đoạn từ K15+500 đến K19+300, cống số 1, số 3 xã Đỉnh Bàn".

Để hệ thống đê điều được cứng hóa đồng bộ nhằm đảm bảo công tác an toàn đê điều trong phòng chống thiên tai, ổn định đời sống dân sinh, huyện Thạch Hà đã đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư cứng hóa tuyến đê Hữu Nghèn (đoạn từ cầu Già, xã Thạch Kênh đến tiếp giáp với đoạn đê đang thi công và đoạn từ cống Bara Đò Điểm đến tiếp giáp với đoạn đê đang thi công dài khoảng 7 km với tổng mức dự kiến 120 tỷ đồng) và quan tâm bố trí đủ nguồn vốn để sớm hoàn thành nâng cấp tuyến đê Hữu Phủ.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.