Theo The Guardian, cơ quan chức năng Indonesia đang phải vật lộn để chống lại nạn tin giả tràn lan khiến cư dân đảo Sulawesi hoảng loạn sau thảm họa kép động đất – sóng thần ngày 28/9.
Đại diện cơ quan thảm họa đính chính một video giả khác lấy từ thảm họa ở Mỹ. (Ảnh chụp màn hình)
Những tin tức giả lan truyền bao gồm một trận động đất mạnh 8,1 độ richter sắp đến, một con đập có nguy cơ bị vỡ, khiến nỗi sợ hãi tại Sulawesi tăng lên – nơi con số thiệt mạng vì thảm họa kép đã lên đến hơn 1.400 và dự kiến tiếp tục tăng. Một số tin giả khác bao gồm Thị trưởng thành phố Palu thiệt mạng trong thảm họa, có chuyến bay miễn phí đến Palu cho các gia đình nạn nhân.
Những bức ảnh chụp thi thể la liệt cũng được đưa lên mạng xã hội tràn lan, trong khi chúng thực chất là ảnh từ các thảm họa khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia phải ban hành hai thông cáo báo chí trong những ngày qua để vạch trần tin lừa đảo thất thiệt.
Theo Guardian, tin giả là một vấn đề trầm trọng ở Indonesia. Chính phủ Indonesia tuần trước cho biết họ sẽ công bố báo cáo ngắn hàng tuần về các tin giả để giúp người dân “phân loại tin tức”.
Một người dân Palu xác nhận với Guardian về tình trạng tin giả tràn lan. “Chúng tôi nghe nói sẽ có động đất lớn vào ngày mai (5/10). Tôi bảo họ đó là tin giả. Nếu bạn rời khỏi nhà sẽ có người đến trộm, vì thế tin tức này mới bị lan truyền.” – Badarudin, người dân sống tại khu vực cho biết.
Các tin này chủ yếu được truyền miệng từ người này sang người kia vì điện ở khu vực vẫn chưa được khôi phục và không có nhiều địa điểm để người dân sạc điện thoại.
Bambang Triyono, một nhân viên cứu trợ cho biết những tin tức giả tương tự thường lan truyền trong các thảm họa. “Khi ở Lombok xảy ra thảm họa động đất cũng có chuyện như vậy, tin đồn lan đi rằng sóng thần lớn sẽ sớm ập đến”.
Phát ngôn viên trưởng cơ quan thảm họa Indonesia BNBP, ông Sutopo Purwo Nugroho dùng Twitter liên tục từ ngày xảy ra động đất để đính chính các tin giả. Nhiều tin trong số đó liên quan đến việc khuếch đại vụ núi lửa Soputan phun trào ngày 3/10, với những bức ảnh được chỉnh sửa và video từ các thảm họa khác để làm cho vụ việc có vẻ nghiêm trọng hơn thực tế.
Một số người lan truyền tin giả đã được xác định danh tính và sẽ sớm bị bắt, cảnh sát Indonesia cho biết.
Ông Sutopo Purwo Nugroho đính chính bức ảnh giả liên quan vụ núi lửa phun trào sau thảm họa động đất, sóng thần. (Ảnh chụp màn hình)
Một video giả mạo về vụ núi lửa phun trào. Núi Soputan đã phun trào nhưng không nghiêm trọng như một số hình ảnh giả được chia sẻ. (Ảnh chụp màn hình)