Tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đang đáp ứng đúng kế hoạch đề ra - Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ GTVT phát ra ngày hôm nay (5/5) về dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2 – PV), đến thời điểm này, 12/12 tỉnh có dự án đi qua đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến, công trình.
Cùng với đó, 9/10 dự án đã có ý kiến Bộ Quốc phòng. Riêng dự án Hậu Giang-Cà Mau chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng về hướng tuyến đi qua các khu vực đất quốc phòng, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/5 tới đây.
Tiến độ cao tốc giai đoạn 2 đáp ứng yêu cầu của Chính phủ
Bộ GTVT cũng cho biết, công tác khảo sát hiện trường địa hình, địa chất, thủy văn tại 12/12 dự án đã hoàn thành. Công tác lập hồ sơ khảo sát vật liệu và bãi đổ thải đang được các đơn vị tư vấn hoàn thiện, dự kiến trước ngày 15/5.
Về mặt bằng, Bộ GTVT đã chấp thuận đợt 1 được 136,3 km mặt bằng, thẩm định 483,3 km, đạt 619,6 km/729 km (85%). Các đoạn còn lại khoảng 109,4 km sẽ thẩm định xong trước ngày 30/6/2022. Tính đến ngày 30/4, dự án đã bàn giao cho địa phương được 424,8 km/729 km (58% mặt bằng), dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ 619 km vào ngày 15/5.
“Tiến độ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 đáp ứng Nghị quyết 18/CP của Chính phủ. Công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cuả 12/12 dự án cũng đã có văn bản gửi Bộ TN&MT thẩm định báo cáo...”, Bộ GTVT thông tin.
Đột phá về thời gian chuẩn bị dự án
Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017- 2020 (giai đoạn 1 – PV) là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 28.183; tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB.
Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm triển khai, dự án giai đoạn 1 vẫn còn khoảng 0,1% chiều dài tuyến còn vướng mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc một số hạng mục công trình đã được bồi thường nhưng chưa được di dời.
Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, tổ chức triển khai thi công trong năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026 - Ảnh minh họa |
Đối với dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 (2021-2025) được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công.
Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.481 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 14.983 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ; tổng khối lượng vật liệu đắp nền đường cho 12 dự án khoảng 85,94 triệu m3. Dự án giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, tổ chức triển khai thi công trong năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Khác với giai đoạn 1, để đảm bảo tiến độ thực hiện giai đoạn 2 theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành cơ chế theo thẩm quyền cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Nhờ vậy, Bộ GTVT đã rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn tùy theo mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6 tới.
Các địa phương khẩn trương thực hiện các công tác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công cuối năm 2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.
Đến nay, các ban quản lý dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, bàn giao cho địa phương 424,8 km/729 km.
Như vậy có thể thấy, tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 có thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án nhanh hơn rất nhiều so với dự án giai đoạn 1.
Cụ thể, Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc GPMB cho địa phương trong thời gian khoảng 5 tháng; chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án khoảng 10 tháng; công tác GPMB sẽ được hoàn tất trong thời gian khoảng 1,5 năm. Đây có thể được coi là bước “đột phá” về thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án.
“Sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, từ khảo sát đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB... thời gian từ khi bắt đầu triển khai đến khi trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 chỉ khoảng 5 tháng. Trong khi đó, ở dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, thời gian mất khoảng 11-12 tháng”, đại diện Bộ GTVT cho biết.