Thế giới ghi nhận trên 30,4 triệu ca mắc, 951.695 ca tử vong do COVID-19

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 22.146.712 người. Hiện vẫn còn khoảng 1% số người mắc bệnh đang trong tình trạng nguy kịch.

Thế giới ghi nhận trên 30,4 triệu ca mắc, 951.695 ca tử vong do COVID-19

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 6.880.852 ca nhiễm và 202.306 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 5.228.478 ca nhiễm và 84.505 ca tử vong; Brazil với 4.457.443 ca nhiễm và 135.031 ca tử vong. Trong ngày 18/9, nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong 1 ngày là Ấn Độ với 1.174 trường hợp, sau đó lần lượt là Mỹ với 928 trường hợp, và Brazil với 829 trường hợp.

Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 với hơn 8,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 318.000 ca tử vong.

Tại châu Á, Indonesia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Cụ thể, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 3.257 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, đánh dấu ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày ở nước này ở mức trên 3.000 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 279.526 ca, tập trung chủ yếu ở thủ đô Manila, trong khi số ca tử vong tăng 47 ca lên tổng cộng 4.830 ca. Bộ Y tế Indonesia cũng thông báo có thêm 3.891 ca nhiễm mới và 114 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 236.519 và 9.336 ca. Như vậy, Indonesia là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau hơn 100 ngày. Trường hợp tử vong nói trên là nam giới, 54 tuổi, công dân Thái Lan vừa trở về từ nước ngoài hồi đầu tháng này. Người này là phiên dịch viên tại Saudi Arabia và làm việc cho Bộ Lao động Thái Lan. Bệnh nhân đã được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Bangkok trong 2 tuần và đã tử vong ngày 18/9.

Tâm dịch Ấn Độ ghi nhận thêm 96.424 ca mắc và 1.174 trường hợp tử vong. Kể từ đầu tháng 8, Ấn Độ luôn là quốc gia có số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao nhất thế giới. Giới chuyên gia dự báo với tốc độ lây lan như hiện nay, số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Á này có thể còn cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ tương đối thấp, với tỷ lệ tử vong vào khoảng 1,62%.

Sau hơn một tháng nâng giãn cách xã hội lên mức 2,5, Hàn Quốc vẫn chưa thể đưa số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc giảm xuống dưới mức ba con số. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 18/9 công bố nước này đã ghi nhận tổng số 22.783 ca mắc COVID-19, tăng 126 ca so với một ngày trước đó, trong đó có 109 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 17 ca nhập cảnh. Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm, kỳ nghỉ Tết Trung Thu cận kề dự báo số lượng người dân di chuyển về quê gia tăng, do vậy Chính phủ Hàn Quốc hiện đang hết sức quan ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Thủ tướng Chung Sye-kyun đã kêu gọi người dân hạn chế về quê thăm gia đình, họ hàng vào kỳ nghỉ lễ kéo dài sắp tới.

Do số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày lên tới 4.500 ca, Israel đã lần thứ hai áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ đón Năm mới của người Do Thái - Rosh Hashana. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã khẳng định sự cấp thiết của việc phong tỏa. Theo quy định mới, người dân Israel chỉ được phép di chuyển trong bán kính 500 m tính từ nhà của họ, ngoại trừ đi xa để mua nhu yếu phẩm hay đi làm. Số nhân viên làm việc tại công sở cũng bị hạn chế. Tính ngày 18/9, Israel đã ghi nhận tổng cộng 175.256 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.169 ca tử vong, trong khi dân số chỉ khoảng 9 triệu người.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại Anh. Theo Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước, theo đó cứ 8 ngày số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi. Trong khi đó, Pháp và CH Séc lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Pháp ghi nhận thêm 10.593 ca mắc, còn Séc ghi nhận 3.130 ca mắc mới.

Thế giới ghi nhận trên 30,4 triệu ca mắc, 951.695 ca tử vong do COVID-19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh ngày 5/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình trên, một số nước châu Âu đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Thị trưởng London (Anh) Sadiq Khan thông báo sự kiện bắn pháo hoa mừng Năm mới - thu hút hàng chục nghìn người mỗi năm, sẽ không được tổ chức vào ngày 31/12 tới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện chính quyền đang tập trung để lên kế hoạch tổ chức một sự kiện mừng Năm mới khác mà người dân có thể cùng tham gia trên ti vi. Chính quyền thành phố Nice, miền Nam nước Pháp cũng thông báo người dân không được tụ tập quá 10 người tại các địa điểm công cộng và các quán bar sẽ phải đóng cửa từ 00h30" đến 6h00 (theo giờ địa phương) và việc bán rượu mang đi cũng bị cấm sau 20h00. Nhà chức trách thành phố này cũng sẽ giảm số lượng người tham gia các sự kiện công cộng lớn từ 5.000 xuống còn 1.000. Thành phố Marseille và Bordeaux cũng ban hành quy định, có hiệu lực từ ngày 21/9, theo đó, siết chặt hơn số người được phép tụ tập trên bãi biến, cũng như thăm thân tại các trại dưỡng lão và tham gia các sự kiện công cộng ngoài trời. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng để ngỏ khả năng áp đặt thêm các biện pháp hạn chế tại Attica - khu vực bao gồm cả thủ đô Athens. Các chuyên gia y tế của nước này cũng đề nghị hạn chế thêm số người tụ tập, ngừng các sự kiện văn hóa trong 14 ngày, cùng 1 số biện pháp khác. Chính phủ Ireland quyết định đưa Hy Lạp và Italy - hai điểm đến du lịch nổi tiếng, ra khỏi Danh sách Xanh gồm những quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Âu có ít nguy cơ dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc những người đến từ hai nước trên phải thực hiện cách ly trong 14 ngày.

Liên minh châu ÂU (EU) cũng đã nhất trí mua vaccine tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 của hai hãng sản xuất dược phẩm lớn Sanofi và GSK trong thỏa thuận tương tự thứ hai nhằm đảm bảo nguồn cung tại thời điểm sắp tới hạn chót gia nhập cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiếp cận toàn cầu đối với vaccine phòng COVID-19. Ủy viên phụ trách lĩnh vực y tế của EU, bà Stella Kyriakides, cho biết với thỏa thuận trên, hai nhà sản xuất dược phẩm của Anh và Pháp - liên minh cùng sản xuất một loại vaccine dựa trên việc tái tổ hợp protein mà họ hy vọng có thể được phê chuẩn vào năm 2021 - sẽ cung cấp cho EU 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Đổi lại, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trả trước chi phí sản xuất cho hai hãng trên và chính các quốc gia thành viên EU sẽ mua loại vaccine này của họ.

Trong cuộc họp trực tuyến, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng ra tuyên bố chung khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho tất cả mọi người dân là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo TTXVN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.