Thời tiết bất lợi, nông dân Hà Tĩnh mất tiền tỷ mua lạc giống

(Baohatinh.vn) - Thời tiết bất lợi, số diện tích lạc xuân đã gieo hư hại, phải gieo lại từ 25 - 50% khiến bà con nông dân ở nhiều địa phương Hà Tĩnh như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà... “mất trắng” cả chục tỷ đồng tiền giống.

Video: Nông dân Nghi Xuân chia sẻ gặp khó trong sản xuất lạc xuân

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này, tại các cánh đồng trồng lạc xuân của xã Xuân Viên, Xuân Lĩnh (Nghi Xuân), Thạch Mỹ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thịnh Lộc... (Lộc Hà), nhiều hộ nông dân vẫn tất bật sản xuất.

Do thời tiết bất lợi, mưa nhiều khiến các thửa ruộng úng nước không thể gieo trỉa. Số diện tích đã gieo trỉa phần lớn mầm giống cũng bị hư hại.

Thời tiết bất lợi, nông dân Hà Tĩnh mất tiền tỷ mua lạc giống

Nông dân thôn Mỹ Lộc (Xuân Viên, Nghi Xuân) phải gieo lại hàng chục héc-ta lạc bị hư hại.

Ông Trần Văn Bính ở thôn Gia Phú (Xuân Viên, Nghi Xuân) chia sẻ: “Vụ lạc xuân này, tôi gieo trỉa 1 mẫu đất. Toàn bộ diện tích đã gieo đúng lịch thời vụ vào dịp Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, mưa rét khiến 5 sào bị hư hỏng nặng; những diện tích còn lại mầm lên không đều, chúng tôi phải gieo lại. Có ruộng, tôi gieo đến lần thứ 2, 3 vẫn không đạt hiệu quả. Toàn bộ lạc giống hơn 2 tạ, trị giá 10 triệu đồng xem như mất trắng”.

Thời tiết bất lợi, nông dân Hà Tĩnh mất tiền tỷ mua lạc giống

Nhiều thửa ruộng, lạc gieo lần thứ 3 vẫn không mọc

Cùng cảnh ngộ với ông Bính, bà Nguyễn Minh Ngụ ở thôn Khang Thịnh, bà Đậu Thị Minh ở thôn Mỹ Lộc (Xuân Viên, Nghi Xuân), mỗi người đều trồng 3-5 sào lạc và đã mất 3-5 triệu đồng tiền giống do phải gieo đi, gieo lại 2-3 lần.

Ông Ngụy Khắc Phúc - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, cho biết: “Hiện nay, Xuân Viên đã gieo trỉa lạc xuân đạt 80%, trong đó số diện tích phải gieo lại 2-3 lần khoảng 70/265 ha, chiếm 26%”.

Như vậy, với số diện tích đã hư hại, riêng nông dân xã Xuân Viên mất đứt 1,2 tỉ tiền giống lạc trong vụ xuân này.

Không chỉ ở Nghi Xuân, nông dân Thạch Mỹ, Thạch Châu, Mai Phụ, Thịnh Lộc (Lộc Hà)... cũng đang tiến hành dắm, gieo lại diện tích bị hư hại hoặc trồng mới ở những thửa vừa khô ráo.

Thời tiết bất lợi, nông dân Hà Tĩnh mất tiền tỷ mua lạc giống

Với 2 sào lạc phải gieo lại đến lần thứ 3, bà Lê Thị Ngọc (Thạch Mỹ) tốn hơn 2 triệu đồng tiền giống mà vẫn chưa có kết quả.

Bà Lê Thị Ngọc ở thôn Hà Ân (Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho hay: “Hằng năm, dịp này, lạc đã lên xanh, nhưng năm nay, tôi làm 4 sào, gieo được 2 sào thì đến nay đã gieo lại lần thứ 3; 2 sào còn lại đất vừa mới khô ráo. Nhiều gia đình khác tại thôn chúng tôi cũng vậy. Người làm ít nhất cũng phải gieo lại 1 sào, người làm nhiều có khi hơn 1 mẫu”.

Thời tiết bất lợi, nông dân Hà Tĩnh mất tiền tỷ mua lạc giống

Nông dân xã Mai Phụ (Lộc Hà) ra đồng gieo trỉa lạc.

Được biết, diện tích canh tác lạc xuân của Lộc Hà năm 2020 là 1.122 ha. Tính đến hết tháng 2/2020, diện tích gieo trỉa lạc tại địa phương này đạt 85% (khoảng 953 ha).

Trong khi đó, ước tính, số diện tích phải gieo, giắm lại chiếm gần 1 nửa (khoảng 400 ha). Với mật độ gieo trỉa 1,5-2 yến/sào, giá lạc giống thời điểm hiện tại là 480.000 đồng/yến, gần 400 ha ước tính “thất thoát” hơn 7,2 tỷ đồng tiền lạc giống.

Video: Cánh đồng lạc vừa gieo bị hư hại, do mưa lớn trong những ngày qua tại Thạch Mỹ

Dù chịu tổn thất lớn về chi phí giống, lịch thời vụ gieo trỉa lạc xuân cũng đã kết thúc từ ngày 25/2, tuy nhiên, bà con nông dân vẫn cố gieo lại và gieo mới.

Trưởng phòng NN&PTNT Lộc Hà Võ Tá Bình cho hay: “Dù Lộc Hà đã đạt diện tích gieo trỉa lạc xuân 85%, tuy nhiên đợt mưa rét gần đây khiến diện tích đã gieo bị hư hại rất nhiều. Thời gian tới, nếu diễn biến thời tiết phức tạp, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các địa phương chuyển đổi số diện tích trồng lạc chưa gieo trỉa sang canh tác các giống cây vụ xuân khác, như: Ngô, khoai lang...”.

Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, tính đến hết ngày 7/3, toàn tỉnh đã gieo trỉa được 10.433/12.517 ha, đạt tỷ lệ 83%.

Các địa phương đạt tỉ lệ cao là: Thị xã Hồng Lĩnh, Vũ Quang (100%), Cẩm Xuyên (97%), Đức Thọ (94%)... Một số địa phương tỉ lệ gieo trỉa thấp như: TP Hà Tĩnh (9,6%), Nghi Xuân, Lộc Hà (85%), Thạch Hà (72%), Hương Sơn 70%..

Ngoài các địa phương có địa hình cao ráo, đạt tỉ lệ gieo trỉa thành công, thì một số địa phương có địa hình thấp, thoát nước kém như Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà... khá nhiều diện tích bị hư hại, phải gieo lại 2-3 lần.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.