Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

(Baohatinh.vn) - Nhờ thu hoạch bảo quản được số lượng rơm dồi dào, đợt rét này, người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) không chỉ đảm bảo cung cấp thức ăn cho vật nuôi mà còn bán ra thị trường kiếm thêm thu nhập.

Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

Cây rơm được người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc) thu hoạch từ vụ hè thu năm 2021.

Bà Phan Thị Thư (65 tuổi, thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Vụ hè thu vừa qua, được mùa, được nắng nên chúng tôi đã tranh thủ thu gom rơm, phơi phóng và cất giữ dự trữ số lượng rơm khá lớn. Vì vậy, trong thời điểm này không chỉ đủ thức ăn cho trâu của gia đình mà còn có để bán cho bà con chăn nuôi ở các vùng khác".

Gia đình bà Thư làm 7 sào ruộng, vụ hè thu vừa qua, bên cạnh thu gom rơm từ ruộng nhà mình, bà còn cùng chồng đến cánh đồng các xã lân cận xin thu hoạch rơm từ những hộ gia đình có ý định đốt để làm sạch ruộng. Nhờ chịu khó, bà thu gom được 2 cây rơm khoảng 2 tấn.

Dịp vừa qua, có khách đến hỏi mua, bà Thư đã bán 1 cây rơm với giá 2,7 triệu đồng. Ngoài phần rơm để phục vụ cho 1 con trâu của gia đình, bà còn một kho nhỏ chứa rơm, ước giá bán được 1,5 triệu đồng nữa.

Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

Bà Phan Thị Thư (thôn Liên Tài Năng, Tùng Lộc) vừa bán một cây rơm với giá 2,7 triệu đồng.

Nhờ tích trữ được lượng khá lớn và bảo quản rơm tốt, dịp này không chỉ bà Phan Thị Thư mà nhiều nông dân tại thôn Liên Tài Năng và Minh Tiến, Tân Quang... (xã Tùng Lộc, Can Lộc) cũng “rôm rả” với việc bán rơm hàng ngày.

Chị Lương Thị Lan (45 tuổi, thôn Minh Tiến) cho biết: “Đây là thời điểm khá xa 2 vụ thu hoạch lúa trong năm, mặt khác thời tiết giá rét nên cỏ và các thức ăn khác khá khan hiếm vì vậy nhu cầu rơm phục vụ cho việc chăn nuôi trâu bò rất lớn. Nhất là những vùng có nhiều người chăn nuôi trâu bò đàn".

Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

Chị em phụ nữ xã Tùng Lộc tranh thủ lúc nông nhàn đi bán rơm kiếm thêm thu nhập.

Khác với bà Phan Thị Thư đợi khách đến mua rơm tại nhà, chị Lương Thị Lan cùng nhiều chị em khác trong làng chia rơm ra thành từng “gánh” chở trên xe đạp điện đến bán tại các chợ quanh vùng, như: chợ Huyện, chợ Cồn (Lộc Hà), chợ Già (Thạch Hà)...Trung bình mỗi “gánh” rơm nặng khoảng 12-15 kg được bán với giá 80-100 ngàn đồng, mỗi ngày chị Lan chở được từ 2-4 chuyến rơm. Từ dịp cuối tháng Chạp đến nay, chị Lan đi chợ được khoảng 30 chuyến, thu được hơn 2,5 triệu đồng.

Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

Mỗi gánh rơm giao tận nhà tại vùng Lộc Hà, Thạch Hà được bán với giá 80-100 ngàn đồng

Chị Lan cho biết, việc đưa rơm đi bán “lãi” hơn là bán “khoán” cả cây rơm tại nhà nhưng khá mất công sức. Vì vậy, quá trình đi chợ nếu gặp khách cần số lượng rơm lớn và trả giá tốt thì chị vẫn đồng ý bán nguyên cây và để người mua đến tự bốc về.

Được biết, toàn xã Tùng Lộc có khoảng 300 hộ chuyên thu hoạch rơm, tích trữ để chăn nuôi và dành để bán. Hộ ít nhất có khoảng 2 tạ rơm, hộ nhiều có từ 1-2 tấn rơm, dịp này ước tính toàn xã có khoảng 15 tấn rơm bán ra thị trường. Trung bình mỗi tạ rơm có giá từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy vào bán tại nhà hay chia thành “gánh” đi bán lẻ.

Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

Người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc) đi bán rơm tại chợ Huyện (xã Bình An, Lộc Hà) sáng 24/2.

Hiện, toàn huyện Can Lộc có hơn 9.300 ha diện tích đất dùng để gieo cấy lúa, trong đó xã Tùng Lộc có 480 ha. Số lượng rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch là rất lớn nhưng thời gian gần đây, nhiều địa phương người dân không có nhu cầu thu hoạch phần phụ phẩm này nên đem đốt bỏ hoặc để hoai mục trên đồng ruộng. Người dân Tùng Lộc đã chịu khó “xin” thu hoạch về phơi phóng và tích trữ.

Thời tiết mưa rét, nông dân Can Lộc có thêm thu nhập từ bán rơm

Với những hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò đàn thời điểm này ngoài cỏ thì nhu cầu lấy rơm làm thức ăn rất lớn. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi bò đàn của ông Lê Xuân Thọ (xã Thiên Lộc, Can Lộc).

Ông Đặng Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết: “Nhận thấy nhu cầu dùng rơm làm thức ăn chăn nuôi trâu bò, nhất là trong mùa”giáp hạt“như thời điểm này là rất cao, mặt khác việc đốt bỏ rơm không chỉ gây lãng phí mà còn ô nhiễm môi trường nên nhiều năm qua, chúng tôi đã tuyên truyền bà con tích cực thu hoạch rơm sau mỗi vụ gặt. Nhờ đó, thời điểm này bà con không chỉ đảm bảo thức ăn cho gia súc, vật nuôi mà còn có rơm bán kiếm thêm thu nhập”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.