Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị đưa lại lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp
Đầu tư sâu vào lĩnh vực lúa gạo, KC Hà Tĩnh không chỉ dừng lại ở dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn tạo hướng mở, liên kết sâu để hình thành những ngành chế biến mới sau lúa gạo như: sữa gạo, bột cám gạo, bún, miến… tạo thành chuỗi liên kết giá trị khép kín, hiệu quả cao.
Trong mấy năm, doanh nghiệp này đã xây dựng vùng liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giám sát sản xuất và thu mua lúa cho bà con nông dân. Tập trung vào những giống lúa chất lượng, giá trị cao như: J02, Bắc hương 9, ST24…, vụ xuân 2020, công ty mở rộng vùng nguyên liệu lên 700 ha trên toàn tỉnh.
Vụ xuân 2020, KC Hà Tĩnh mở rộng vùng liên kết với 700 ha, tập trung ở thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Thạch Hà
Đây là lần đầu tiên bà Bùi Thị Xanh, thôn Hồng Lam, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) sản xuất theo hình thức hợp đồng thu mua lúa tươi cuối vụ như năm nay. Làm 6 sào, bà chỉ để lại một ít để ăn, còn lại thu hoạch xong là bán cho KC Hà Tĩnh ngay bên chân ruộng.
“Có kỹ thuật của công ty giám sát từ đầu vụ, đến kỳ thu hoạch là gặt đồng loạt. Toàn bộ 6 sào lúa chỉ thu gặt và cân bán trong một buổi chiều. Tính ra, cách làm này giúp nông dân nhàn hơn, không mất công thu hoạch, phơi phong lại không có những tổn thất”, bà Xanh vui vẻ.
Bà Bùi Thị Xanh phấn khởi vác lúa chuẩn bị cân bán cho doanh nghiệp
Cách đó không xa, bà Lê Thị Châu cũng bắt đầu đẩy lúa lên bàn cân trước khi công ty bốc lên xe tải lớn. 6 sào lúa J02, bà thu về hơn 2 tấn thóc tươi và nhập toàn bộ cho công ty.
“Giá mỗi kg lúa tươi J02 là 5.353 đồng, khá ổn định nên tôi bán hết, chứ đưa về nhà cũng chẳng biết thế nào vì thị trường thời điểm này rất bấp bênh”.
Cánh đồng liên kết J02 với KC Hà Tĩnh tại thôn Hồng Lam (TX Hồng Lĩnh) rộng 12,6 ha, đạt năng suất từ 3,5- 3,8 tạ/sào, trở thành một trong những giống lúa có năng suất tốt nhất địa phương.
Ông Lê Minh Huân, Trưởng thôn Hồng Lam cho biết: “Năm ngoái chúng tôi đã thử sản xuất 1 ha, thấy gạo ngon, năng suất cao và có giá trị kinh tế nên năm nay hợp đồng với KC Hà Tĩnh. Liên kết với doanh nghiệp, ổn định từ sản xuất đến đầu ra sẽ giúp bà con yên tâm hơn. Tôi nghĩ đây là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa”.
Thời điểm này, KC Hà Tĩnh đang mua lúa tươi giống J02 với giá 5.353 đồng/kg
Đến thời điểm này, KC Hà Tĩnh đã thu mua được 500 tấn lúa tươi và kế hoạch vụ xuân năm nay sẽ mua thêm khoảng 450 tấn lúa khô phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Giám đốc KC Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Tùng cho biết: “Hiện, sản phẩm gạo của công ty đang bắt đầu có những tín hiệu tốt đẹp ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, gạo Ngọc Mầm được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh năm 2019 sẽ là bước đệm cho công ty xây dựng vững chắc thương hiệu. Công ty cũng đang tiến đến chế biến sâu hơn với những sản phẩm từ lúa gạo và phụ phẩm sau thu hoạch, tạo chuỗi giá trị tăng cao”.
Lúa ST24 tại Đức Thọ được mua với giá lúa tươi 8.000 đồng/kg
Điểm nhấn lớn nhất của vụ xuân 2020 chính là KC Hà Tĩnh đã thử sức với dòng giống lúa chất lượng top 3 thế giới - ST 24. Dù mới chỉ sản xuất thử ở Đức Thọ với gần 2,5 ha nhưng đón được những hiệu ứng tích cực.
Ông Lê Hoài Sơn, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ cho biết: “Công ty mua giá tươi 8.000 đồng/kg, tính ra bà con có thể thu về 2,4 triệu đồng/sào. Nhờ cầu nối của doanh nghiệp, người nông dân được tiệm cận với nhiều loại giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để lựa chọn hình thức canh tác từ vụ hè thu tới”.
Thu mua lúa tươi, doanh nghiệp có thành phẩm tốt nhất, còn người nông dân cũng không còn phải lo lắng chạy đuổi những cơn dông bất chợt của mùa thu hoạch.