Thu nhập tiền tỷ nhờ dám nghĩ, dám làm

(Baohatinh.vn) - Anh Nguyễn Xuân Thủy (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng từ nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn.

Sau khi rời ghế nhà trường, anh Nguyễn Xuân Thủy (SN 1975, tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà) quyết xuất ngoại làm kinh tế. Trong những năm lăn lộn nơi xứ người, anh đã làm rất nhiều nghề nhưng kết quả không được như mong muốn. Năm 2012, anh trở về và quyết định lập nghiệp tại quê hương khi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, bắt tay vào đầu tư xây dựng cơ sở nuôi tôm.

Cơ sơ của anh Thủy được đầu tư xây dựng bài bản.

Trên diện tích 1,5 ha tại TDP 8, thị trấn Thạch Hà, anh Thủy chia làm 4 ao để nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp có lót bạt chống thấm ở đáy, đắp bờ xung quanh bằng bê tông. Những năm đầu do thời tiết thay đổi bất thường, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, trong khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm nên kết quả không mấy khả quan.

Không chịu khuất phục trước khó khăn, đầu năm 2019, anh tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa lại cơ sở nuôi theo mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn khép kín bằng cách nuôi tôm ít thay nước, sử dụng nhiều chế phẩm vi sinh thay cho kháng sinh. Theo đó, hệ thống ao nuôi được đầu tư thiết kế bài bản gồm bể ương tôm giai đoạn 1, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, còn có 1 hệ thống xử lý nước đầu vào và 1 hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Bể ương tôm giai đoạn 1 (diện tích 500m2 chia làm 10 bể) làm bể xi măng được đặt trong nhà có mái che, ao ương giai đoạn 2 (diện tích 1.000m2) được che phủ bằng màng lưới và ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 (gồm 3 ao, mỗi ao 3.000m2) là ao đáy đất được đắp bờ xung quanh bằng bê tông.

Anh Thuỷ và tôm nuôi sau 1 tháng được chuyển qua ao nuôi giai đoạn 2.

Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên từ năm 2019 đến nay, năm nào anh Thủy cũng thành công. Mỗi năm nuôi 3 vụ, sản lượng bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/năm, trừ chi phí anh thu lợi nhuận 2,5 - 3 tỷ đồng/năm.

Theo anh Thủy, quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn sẽ thả nuôi mật độ vừa phải. Giai đoạn 1 ương với mật độ 1.000 con/m2 thời gian 25 ngày, tôm đạt kích cỡ từ 500 - 600 con/kg. Chuyển sang ương giai đoạn 2, mật độ tôm từ 400 - 450 con/m2, thời gian nuôi 25 ngày, khi tôm đạt kích cỡ 160 - 180 con/kg thì chuyển sang nuôi giai đoạn 3. Tại ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ thưa từ 70 - 75 con/m2. Trong thời điểm này tôm phát triển nhanh, thời gian nuôi 30 ngày, khi thu hoạch đạt 30 - 40 con/kg.

Trong quá trình nuôi cần chú ý xử lý nước đầu vào một cách triệt để nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Tôm giống sau khi được chuyển về môi trường mới từ các trại tôm giống dễ bị sốc nên cần chuẩn bị kỹ trước khi thả giống, quản lý chỉ số môi trường nước luôn phải nằm trong mức cho phép.

Khi cho tôm ăn phải đảm bảo lượng vừa đủ, tránh cho ăn quá nhiều làm tôm bị ảnh hưởng đến sức khỏe gan, tụy, ruột và bị bệnh. Với quy trình 3 giai đoạn ương và nuôi cộng với việc áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nên chỉ số môi trường nước nuôi luôn luôn ổn định trong mức cho phép, hạn chế được dịch bệnh, giúp cho tôm nuôi nhanh lớn, tỷ lệ sống cao, có thể nuôi quay vòng được nhiều vụ trong năm.

Anh Thủy đầu tư thêm nuôi 300 con cua trong hộp nhựa.

Năm 2023, sau thành công liên tiếp của các vụ tôm, anh Thủy tiến hành nuôi thử nghiệm 300 con cua trong hộp nhựa có sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn. Giống cua được anh mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn với kích cỡ 5 - 10 con/kg.

Cua giống là những con khỏe mạnh. Mỗi con sẽ được nuôi riêng trong một hộp nhỏ để tránh ăn thịt lẫn nhau, hạn chế nhiễm bệnh chéo và dễ quản lý. Hộp nuôi được xếp thành tầng khác nhau, đánh số thứ tự và ghi chép nhật ký hàng ngày để biết được sức khỏe và tình trạng phát triển của cua. Nước nuôi được sử dụng theo nguyên lý tuần hoàn, kiểm soát chặt chẽ về các chỉ số như nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm, oxy...

Anh Thủy kiểm tra cua trước lúc xuất bán.

Anh Thủy chia sẻ: Khi nuôi cua trong hộp nhựa người nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thông số về chất lượng nguồn nước, sức khoẻ, khả năng sử dụng thức ăn để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cua.

Thức ăn cung cấp cho cua chủ yếu là cá rô phi, sò biển, ốc bươu vàng. Nếu được cho ăn đầy đủ, môi trường nước đảm bảo thì sau 15 - 20 ngày cua sẻ lột xác và tăng trưởng 50 - 80% so với trọng lượng ban đầu.

Anh dự kiến, với thời gian nuôi 2 tháng, tiến hành thu hoạch khi cua đạt kích cỡ 350 - 400g/kg, tỷ lệ sống đạt 80% và với giá bán cua thương phẩm ra thị trường là 600 nghìn đồng/kg, lợi nhuận ước tính đạt 30 triệu đồng. Nếu vụ này thắng lợi, anh Thuỷ sẽ mở rộng quy mô nuôi cua trong hộp gấp 3 lần so với hiện tại.

Những thành công bước đầu từ mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn và nuôi cua trong hộp nhựa tại cơ sở nuôi của anh Nguyễn Xuân Thủy đã góp phần khẳng định sự mạnh dạn trong đổi mới sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghề nuôi trồng thủy sản.

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói