"Thủ phủ" hươu sao Hà Tĩnh ước thu hơn 200 tỷ đồng từ nhung hươu dịp tết

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, người chăn nuôi ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang tích cực chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho hươu để thu về “lộc” nhung chất lượng trong dịp tết Nguyên đán.

Lâu nay, huyện Hương Sơn được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi hươu lấy nhung. Với người dân nơi đây, con hươu đã trở thành vật nuôi chủ lực, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

bqbht_br_z6185517715313-66da6ba40f2c87960c7c1cd00d5ceb7c.jpg
bqbht_br_z6185517706610-32a46b2b527ae9904427e6c18782088b.jpg
Chị Tuyến bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe cho hươu.

Theo người dân Hương Sơn, hươu sao thường cho nhung từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch. Tuy nhiên, nhờ sàng lọc đàn thường xuyên, chất lượng con giống được cải thiện nên sản lượng nhung ngày càng cao, một số con có thể cho 2-3 lứa nhung mỗi năm. Vì thế, thời điểm này, một số con đã bắt đầu bước vào giai đoạn đổ đế, mọc nhung, có thể cho thu hoạch trước tết Nguyên đán. Do vậy, người nuôi hươu hiện đang tích cực bổ sung, cải thiện chất lượng thức ăn để đàn hươu khỏe mạnh, nhung phát triển tốt.

Là hộ nuôi hươu lâu năm, chị Trần Thị Tuyến (thôn Tượng Sơn, xã Hàm Trường) đã có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc loài vật này. Theo chị Tuyến, chất lượng đàn hươu được nâng cao nên nhiều năm nay, cứ vào dịp tết, gia đình đã có nguồn thu nhập đáng kể.

bqbht_br_z6185517178778-fd9d66e4a9de65712b6575dda20d7b65.jpg
Nhờ chăm sóc tốt nên cứ đến dịp tết Nguyên đán, gia đình chị Tuyến có nguồn thu nhập đáng kể.

Chị Tuyến cho biết: “Năm nay, gia đình tôi nuôi 20 con hươu, trong đó có 10 con đực. Hiện có 4 con đang vào thời kỳ đổ đế, mọc nhung. Để nhung có trọng lượng tốt, chất lượng cao, giai đoạn này, chúng tôi bổ sung thêm những thức ăn giàu tinh bột như ngô, sắn... để hươu khỏe mạnh, nhung phát triển. Ngoài ra, tôi còn bổ sung cho hươu các loại thức ăn xanh như cỏ voi, lá ngô, lá mít và thường xuyên dọn dẹp, làm sạch chuồng trại để hươu có không gian phát triển tốt, đảm bảo sức khỏe".

Nhờ những nỗ lực chăm sóc nên mỗi dịp Tết đến, chị Tuyến đều có một khoản thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng từ việc bán nhung hươu. Số tiền này không chỉ giúp gia đình chị có một cái tết ấm no mà còn là động lực để tiếp tục đầu tư, chăm sóc đàn hươu đón những mùa lộc mới.

bqbht_br_z6185517699776-a537bc0c1ec23086c5a971df25371bfc.jpg
bqbht_br_z6185517720720-b69dba67e8f511fffe5265aa5a9ede88.jpg
Chị Thành chú trọng nguồn thức ăn cho hươu trong thời kỳ đổ đế, mọc nhung.

Năm nay, khi 4 con hươu đực trong tổng đàn 18 con bắt đầu mọc nhung, chị Phan Thị Thành (thôn 2, xã Sơn Giang) đã tích cực bổ sung thức ăn xanh, các loại thức ăn giàu dưỡng chất như cám, bột ngô, bột nếp… và tăng khẩu phần ăn cho hươu nhiều hơn so với ngày thường. Đặc biệt, thức ăn phải sạch, đảm bảo chất lượng, có vậy, hươu mới không bị mắc các bệnh về đường ruột. Ngoài việc đảm bảo nước uống cho hươu từ 4 - 6 lít/ngày, chị Thành cũng thường xuyên dọn rửa, vệ sinh máng nước hằng ngày để tránh vi khuẩn, mầm bệnh.

Chị Thành chia sẻ: “4 con hươu cho nhung đợt này đều là hươu giống được tuyển chọn nên có chất lượng tốt, mỗi năm cho 2 lần nhung với trọng lượng từ 1,4 - 1,9kg/cặp. Vì thế, với việc chăm sóc hươu cẩn thận, lắm công phu như hiện tại, tin rằng, trước tết Nguyên đán, gia đình sẽ có nguồn thu tốt”.

bqbht_br_z6185518460278-014f55054a6b240c3ff187710c080185.jpg
Chị Thành chú trọng bổ sung thức ăn xanh từ cỏ, ngô, các loại lá cây cho hươu.

Cùng với gia đình chị Tuyến, chị Thành, hiện nay, nhiều người nuôi hươu ở huyện Hương Sơn cũng đang tích cực chăm sóc vật nuôi để đón chờ nguồn thu lớn từ “lộc” nhung dịp tết Nguyên đán.

Vì thế, cùng với việc quan tâm bổ sung chất dinh dưỡng cho hươu thì người chăn nuôi cũng chú trọng giữ ấm cho vật nuôi. Trong dịp thời tiết mưa rét kéo dài, bà con đã đầu tư che chắn chuồng trại, giữ gìn vệ sinh, lót rơm giữ ấm… nhằm đảm bảo sức khỏe cho hươu, tránh ảnh hưởng đến việc phát triển của nhung.

bqbht_br_z6185713950904-d8988f0d627c4e48d99d954ac758c457.jpg
Dịp tết Nguyên đán 2025, dự kiến người nuôi hươu ở Hương Sơn sẽ thu về trên 218 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.

Hiện nay, tổng số đàn hươu trên địa bàn Hương Sơn có 47.310 con, trong đó khoảng 22.350 con cho nhung với sản lượng ước tính hơn 19,9 tấn. Với giá bán khoảng 11 triệu đồng/kg, dự kiến trong dịp tết này, toàn huyện sẽ thu được trên 218 tỷ đồng từ việc bán lộc nhung.

Với chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định, nhung hươu Hương Sơn đã có đầu ra ổn định trên thị trường, đưa lại thu nhập cao cho người chăn nuôi. Do vậy, để đảm bảo nguồn thu, Phòng NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi các kỹ thuật chăm sóc hươu thời kỳ lên nhung. Theo đó, người dân cần chú trọng các biện pháp chăm sóc, bổ sung thức ăn dinh dưỡng, thức ăn xanh, đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi trong thời tiết rét đậm, đồng thời giữ vệ sinh chuồng trại để phòng chống bệnh.

Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT Hương Sơn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Ứng dụng công nghệ để "gác cổng" thiên tai

Ứng dụng công nghệ để "gác cổng" thiên tai

Nhiều công nghệ mới, hiện đại đã được các cơ quan, đơn vị ứng dụng hiệu quả trong dự báo, cảnh báo thiên tai, trở thành những công cụ đắc lực “gác cổng” thiên tai ở Hà Tĩnh.
Sớm "hồi sinh" vùng nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn

Sớm "hồi sinh" vùng nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn

Việc bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn (xã Thạch Khê, Hà Tĩnh) là yêu cấp thiết để hình thành vùng nuôi trồng tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân.
Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.