Tiềm năng thị trường điện Việt Nam dưới con mắt nhà đầu tư nước ngoài

(Baohatinh.vn) - Nikkei nhận định, lĩnh vực năng lượng sẽ là một trong những động lực chính giúp thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới...

>> “Ông lớn” Nhật Bản lần đầu “đổ vốn” vào ngành thủy điện Việt Nam

>> Solar Park Korea khảo sát xây dựng nhà máy điện mặt trời tại Hà Tĩnh

tiem nang thi truong dien viet nam duoi con mat nha dau tu nuoc ngoai

Một dự án thủy điện của Bitexco Power đang vận hành.

Tập đoàn tài chính Orix (Nhật Bản) cùng quỹ đầu tư trực thuộc Ngân hàng United Overseas Bank (Singapore) ngày 2/9 bất ngờ công bố kế hoạch chi 50 triệu USD để mua hơn 10% cổ phần của Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) Việt Nam.

Thương vụ trên được dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 9, đánh dấu việc lần đầu tiên tập đoàn Nhật Bản lấn sân sang lĩnh vực thủy điện, nhằm đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ đang ngày càng tăng ở Việt Nam.

Orix là một trong số những “tân binh” mới nhất vừa gia nhập nhóm các nhà đầu tư ngoại dành sự quan tâm đến thị trường điện lực Việt Nam.

Trước đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất cung cấp điện cho cả nước, hiện nay, lĩnh vực này đang dần mở cửa cho cả tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia.

Trong đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) vừa được công bố hồi tháng 3/2016, các nhà chức trách Việt Nam đã đưa ra các kế hoạch nhằm tiến tới mở cửa thị trường điện trong nước.

“Khát” điện

Nhu cầu về điện tăng cao ở Việt Nam là kết quả của tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ và sự tăng lên trong thu nhập của hộ gia đình. Các ngành công nghiệp tiêu thụ khoảng 53% sản lượng điện sản xuất ra, trong khi con số này ở các hộ gia đình là khoảng 35%.

Dựa trên giả định tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức 7%/năm trong vòng 15 năm tới, tiêu thụ điện ở quốc gia hơn 93 triệu dân được dự kiến sẽ tăng với tốc độ từ 10,5%/năm giai đoạn từ 2016-2020, và 8%/năm trong thập kỷ tới.

Để đáp ứng được với nhu cầu này, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu nhằm tăng cường sản xuất điện đồng thời xác định rõ tổng lượng vốn đầu tư để phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT) giai đoạn 2014-2030 sẽ vào khoảng 148 tỷ USD.

Các công cụ chính để Chính phủ thu hút vốn sẽ là tư nhân hóa các công ty trực thuộc 3 tập đoàn năng lượng lớn của Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Ngoài việc phát hành trái phiếu Chính phủ, Việt Nam cũng đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), các tài trợ thương mại quốc tế, các khoản vay từ các tổ chức đa phương và các viện trợ khác để tài trợ cho các dự án năng lượng.

Rộng cửa đón nhà đầu tư ngoại

Trong số 86 dự án thuộc Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, có 18 dự án nhiệt điện được chỉ định dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong số này, 6 dự án đã nhận được giấy phép hoạt động từ Chính phủ. Các nhà đầu tư lớn nhất đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lĩnh vực năng lượng được dự kiến sẽ là một trong những "chìa khóa" quan trọng để thu hút nguồn vốn FDI sắp tới của Việt Nam. Lĩnh vực này được dự báo sẽ thu hút đến 4,5 tỷ USD vốn FDI trong năm nay, tăng 60% so với năm ngoái.

Trong lịch sử, Việt Nam từng phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện. Thông qua Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, Việt Nam muốn đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 6,5% trong tổng lượng điện tiêu thụ được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo, tỷ lệ này đến năm 2030 kỳ vọng đạt 10,7%.

Theo Nikkei, Việt Nam có tiềm năng gió rất lớn, với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW. Bên cạnh đó, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm, cũng là điều kiện tốt để phát triển điện mặt trời.

Các nhà chức trách Việt Nam đang ra sức lôi kéo sự cạnh tranh trong các dự án năng lượng xanh nhằm cắt giảm lượng phát thải khí CO2 xuống chỉ còn 10% vào năm 2020. Việt Nam hy vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào các dự án kiểu này thông qua việc đưa ra các ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất và các hình thức góp vốn đầu tư.

Nhà sản xuất tua bin gió lớn nhất thế giới Vestas của Đan Mạch và Tập đoàn Woojin Construction của Hàn Quốc đều đang có các dự án ở Việt Nam. Tập đoàn General Electric - GE của Mỹ hồi tháng 5/2016 cũng ký kết một biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương để phát triển tối thiểu 1.000MW điện gió ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời từ Hàn Quốc như Tập đoàn Hanwha hay Solar Park gần đây đều đã tiến hành các nghiên cứu khả thi để triển khai dự án tại Việt Nam.

tiem nang thi truong dien viet nam duoi con mat nha dau tu nuoc ngoai

Lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Solar Park Korea khảo sát thực địa để nghiên cứu đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại Hà Tĩnh hồi tháng 10/2015.

Hiện nay, tại Việt Nam, đã có hơn 50 dự án điện gió được phê duyệt và hơn một chục các biên bản ghi nhớ liên quan đến các dự án điện mặt trời được ký kết, tuy nhiên mới chỉ có một vài dự án được tiến hành do mức giá được đề xuất từ phía EVN được đánh giá là quá thấp cùng các quy định về đầu tư không rõ ràng.

Việt Nam đã nâng giá mua điện gió từ 7,8 cent lên 9,8 cent/kWh từ các trang trại điện gió nước ngoài, và tối thiểu 12 cent/kWh đối với điện mặt trời. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng một mức giá cao hơn, ít nhất 30% so với mức giá được EVN đưa ra và yêu cầu giữ ổn định trong vòng 10 năm đầu tiên. Giá chỉ được giảm xuống 10% trong 10 năm kế tiếp.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Việt Nam dự kiến sẽ được vận hành thí điểm vào năm tới, trước khi đi vào vận hành chính thức kể từ năm 2019. Đến năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam cho biết, khi thị trường được hoàn thiện, người mua có thể lựa chọn các nhà cung cấp điện với mức giá được xác định dựa trên cơ chế thị trường.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Nikkei Asian Review.

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.