Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp thực hiện chống khai thác IUU. Toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài, 99/99 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi lắp đặt thiết bị VMS...

Chiều 1/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Sau 5 năm Việt Nam triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 nghị định và Bộ NN&PTNT ban hành 8 thông tư hướng dẫn.

Công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn được đẩy mạnh từ Trung ương đến địa phương với nhiều hình thức đa dạng.

Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Đến nay, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó, 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019). Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép.

Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá).

Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt trên 13 tỷ đồng các tàu cá vi phạm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của EC, việc tổ chức triển khai Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU còn chưa đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương. Số lượng tàu cá vẫn còn lớn dẫn đến cường lực khai thác chưa cân bằng với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại. Việc đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa hoàn thành theo quy định.

Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp; tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, EC khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này. Hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài diễn ra nhiều nhưng kết quả điều tra, xử lý còn hạn chế.

Tại hội nghi, các địa phương, bộ, ngành đã tập trung thảo luận những hạn chế, khó khăn trong chống khai thác IUU. Nhiều vấn đề “nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tháo gỡ “thẻ vàng” được đưa ra bàn luận như: ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; nhiều hình thức tinh vi được sử dụng để đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu mang tính chất đối phó­­; việc theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS…

Hiện nay, Hà Tĩnh không có tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Toàn tỉnh đã có 99/99 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi lắp đặt thiết bị VMS; 2.911/2.911 tàu cá đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia; 2.550/2.911 tàu cá còn hạn giấy phép khai thác thủy sản.

Ban Quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh đã bố trí nhân lực tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường phối hợp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các hành vi chống khai thác IUU theo quy định.

Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC trong lần làm việc thứ 3 để chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10 tới đây; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát địa phương việc triển khai các quy định chống khai thác IUU để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn.

Chú trọng thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu.

Đồng thời, có phương án điều động, biệt phái, bố trí đủ nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ và kinh phí thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại các địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thủy sản đến tận người dân khu vực ven biển.

Tiếp tục giám sát việc triển khai các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Sau hội nghị, chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nội dung theo chỉ đạo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại hội nghị; tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Trước mắt, phải triển khai quyết liệt các nội dung trong Kế hoạch hành động chống khai thác IUU của tỉnh, chuẩn bị tốt các nội dung để làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 sắp tới.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.