Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

(Baohatinh.vn) - Sau đợt mưa lớn từ tối 30/4 đến hết ngày 1/5, các địa phương ở Hà Tĩnh đang khẩn trương tiêu thoát nước để cứu hơn 900 ha lúa xuân sắp vào kỳ chín.

Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

Sau thời gian ngớt mưa, một số diện tích lúa xuân ở xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Tiêu úng, rút nước ra khỏi nội đồng

Không thuận lợi như thời điểm xuống giống, lúa xuân Hà Tĩnh liên tục chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu ở cuối vụ. Đặc biệt, trận mưa từ đêm 30/4 đến hết ngày 1/5 kèm theo gió giật mạnh đã khiến hơn 900 ha lúa xuân trên toàn tỉnh bị đổ ngã, tập trung nhiều nhất ở Cẩm Xuyên với 328 ha; Can Lộc 167,5 ha; Nghi Xuân 74 ha; huyện Kỳ Anh 60 ha...

Thời điểm này còn có 1.000 ha đang trổ bông cũng sẽ gặp khó trong quá trình thụ phấn, thụ tinh do mưa và nhiệt độ giảm thấp.

Trước tình hình này, từ tối 30/4, các địa phương và bà con nông dân trên toàn tỉnh đã tập trung mở cống để tháo nước nhanh ra khỏi nội đồng, nhất thiết không để vùng nào xảy ra tình trạng lúa đổ bị ngâm nước.

Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

Cán bộ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh theo dõi mực nước từ nội đồng để điều tiết tiêu thoát hợp lý tại cống Cầu Sú.

Tại cống điều tiết nước Cầu Sú (thị trấn Thạch Hà), thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, từ trước khi mưa đến, đơn vị đã mở tiêu thoát nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng vùng nội đồng.

Anh Nguyễn Văn Hải - Trạm trưởng Trạm Bắc Hà cho biết: “Theo dõi tình hình thời tiết, từ ngày 29/4, chúng tôi đã bắt đầu mở cống tháo nước đệm và duy trì suốt từ đó đến ngày 3/5. Nhờ vậy, đến nay, không có diện tích lúa bị đổ nào ngâm nước do ngập úng. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và nếu thời tiết ổn định thì hết hôm nay sẽ đóng cống để trữ lượng nước cần thiết cho đợt gieo cấy hè thu sắp tới”.

Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

Cống điều tiết Cầu Sú chịu trách nhiệm dẫn nước từ hồ Kẻ Gỗ tưới cho 600 ha và tiêu thoát cho gần 1.000 ha lúa thuộc các địa phương của Thạch Hà, gồm: Thạch Đài, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn, thị trấn Thạch Hà và phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).

Tại Cẩm Xuyên – địa phương được ghi nhận là có diện tích lúa bị đổ ngã nhiều nhất tỉnh với 328 ha. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, cơ bản nước đã rút khỏi đồng ruộng, một số diện tích lúa tự phục hồi đứng dậy sau đổ ngã. Tuy nhiên, số bị đổ rạp vẫn còn khá nhiều.

Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

Bà con nông dân Cẩm Xuyên ra đồng phá bờ, tạo rãnh thoát nước cho lúa...

Ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Cẩm Xuyên là một trong những địa bàn có lưu lượng mưa lớn, gió thổi mạnh khiến một số ruộng gặp luồng gió xoáy bị thiệt hại khá nặng nề. Ngay trong mưa, huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị thủy lợi điều tiết mở thoát 12 cống tiêu, ép nước ra khỏi nội đồng nhanh nhất có thể. Phòng chuyên môn đang phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi, khuyến cáo bà con xuống đồng vừa tháo nước, vừa dựng lúa để cây sớm phục hồi. Dù vậy, lúa đang vào kỳ chắc hạt, bông nặng đầu khiến một số diện tích bị ngã gãy, thiệt hại đến năng suất cuối vụ”.

Từ ngày hôm qua (2/5), nhiều người dân cũng đã tranh thủ thăm đồng, tháo nước để tiêu úng cho đồng ruộng. Theo bà con nông dân, những diện tích lúa vừa trổ bông xong, chưa có hạt thì khả năng sẽ tự đứng dậy phục hồi sau khi nước rút, trời hửng nắng. Đối với những diện tích đã bắt đầu có hạt, bông nặng nếu đổ gập thì khả năng gãy cao, không thể cứu vãn.

Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

... và gom dựng những ruộng chưa bị đổ gãy để lúa sớm phục hồi và tiếp tục sinh trưởng.

“Mấy hôm trổ xong, lúa đẹp lắm, đều tăm tắp, vậy mà chỉ sau một trận mưa, nhiều cánh đồng tơi tả. Mưa ngớt là tôi ra đồng luôn, tạo rãnh thoát nước để lúa nhanh phục hồi, nếu không mưa tiếp thì cây sẽ tự đứng dậy. Những diện tích đổ sạp chúng tôi chịu khó buộc dựng lên nhưng thường những cánh đồng này sẽ rất “kén” máy gặt và chi phí cũng “đội” lên vì chủ máy ngại gặt những ruộng có lúa bị đổ ngã” - bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình cho hay.

Cảnh báo bệnh đạo ôn cổ bông tiếp diễn

Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, ngày 1/5, Hà Tĩnh còn 1.000 ha cuối cùng của vụ lúa xuân năm nay (trong tổng số hơn 59.100 ha) bước vào giai đoạn trổ bông. Tuy vậy, do trùng vào thời điểm mưa lớn, gió thổi mạnh và nhiệt độ giảm thấp xuống còn khoảng 18 - 20 độ C, trời chuyển rét nên số diện tích này gặp khó trong quá trình thụ phấn, thụ tinh dễ bị lem lép hạt.

Không chỉ vậy, trổ bông trong thời tiết này còn tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông “tái xuất”, trở thành tác động “kép” gây thiệt hại năng suất cuối vụ.

Tiêu thoát nước, giúp lúa xuân ở Hà Tĩnh sớm phục hồi sau mưa

Những diện tích trổ bông sau ngày 30/4 có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông cao vì thời tiết bất thuận.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: "Những diện tích trổ bông đúng vào thời điểm thời tiết xảy ra mưa lớn (ngày 1/5) thì nguy cơ thiệt hại năng suất sẽ khá cao. Điều đáng lo hơn là bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục có cơ hội phát sinh trên những trà lúa này, nhất là các nhóm nhiễm và vùng đã từng nhiễm bệnh ở giai đoạn sinh trưởng lá.

Hiện nay, thời tiết đang dần tốt trở lại, các địa phương cần hướng dẫn bà con nông dân thăm đồng, theo dõi quá trình phát sinh của sâu bệnh, gấp rút phun phòng trừ đạo ôn cổ bông trên những diện tích đang trong quá trình trổ.

Đối với diện tích bị đổ ngã, tiếp tục tiêu thoát nước vùng trũng và theo dõi quá trình phục hồi của lúa. Những diện tích lúa có bông đã chắc hạt, bà con cần dựng đỡ để lúa tiếp tục sinh trưởng tốt trong giai đoạn cuối cùng".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.