Bò mẹ 5 tuổi và bê con 2 tháng tuổi của gia đình ông Trương Quốc Dũng (Thôn Liên Hải, Thạch Hải) có triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà Lê Văn Thuận cho biết: "Sau khi nhận được tin báo về việc 4 con bò của 4 hộ dân ở 2 thôn Tân Phong và Vĩnh Sơn (xã Đỉnh Bàn) mắc bệnh lạ, ngày 15/12, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, 4 vật nuôi này có kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Theo cơ quan thú y, đây là loại bệnh mới, xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Bệnh do virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Bệnh khiến trâu bò có các biểu hiện sốt cao; suy nhược cơ thể; sưng hạch, có các nốt sần đặc biệt ở da đầu, cổ, chân; viêm mũi, viêm kết mạc... Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. |
Biểu hiện bệnh trên chân vật nuôi
Cũng theo ông Lê Văn Thuận, có 6 con bò, me của 5 hộ gia đình ở 2 thôn Nam Hải và Liên Hải (xã Thạch Hải) cũng có biểu hiện bệnh tương tự, đã được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm (dự kiến chiều nay sẽ có kết quả xét nghiệm của các vật nuôi này).
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà lấy mẫu xét nghiệm trên bò của người dân xã Thạch Hải
Cũng trong chiều 16/12, cơ quan chức năng huyện Lộc Hà thông tin, các mẫu bệnh phẩm được lấy trên các con bò của người chăn nuôi ở xã Mai Phụ mắc bệnh lạ, hiện đã có trả lời từ cơ quan thú y.
Theo kết quả từ Chi cục Thú y vùng 3 (thuộc Cục Thú y), các mẫu bệnh phẩm này dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm trên các con bò ở xã Mai Phụ, Lộc Hà
Ông Trần Hậu Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà khuyến cáo: "Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về đặc điểm, nguy cơ, tác hại và các biện pháp để người dân chủ động phòng chống; rà soát lại tổng đàn, tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Tổ chức ký cam kết nuôi cách ly gia súc bị bệnh với gia súc đang khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh; thực hiện công tác cung ứng, cấp hóa chất và vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường hàng ngày; phun thuốc diệt các loại côn trùng như ruồi, mòng, ve... Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi".
Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 3