Nhiều tàu thuyền đã vươn khơi, cảng cá nhộn nhịp trở lại.
Gần 1 tháng nay, cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) không còn đìu hiu như những tháng giữa năm 2016. Hôm chúng tôi đến, trên bến, dưới thuyền khá tấp nập, chủ yếu là thuyền đi 2-3 ngày mới cập cảng. Ông Nguyễn Tiến Thành (thôn Phú Mậu, Thạch Bằng, Lộc Hà) trở về sau 3 ngày ra khơi đã thu về hơn 2 tạ cá nhỡ. Đây là chuyến biển đầu tiên sau 3 tháng thuyền nằm bờ.
Ông bảo: Từ ngày sự cố môi trường biển xảy ra, ông chẳng mặn mà đi biển vì đi về cũng chẳng bán được, lại thêm tiền dầu, tiền công. Thế nhưng, thời gian gần đây, cá đã quay trở lại nhiều hơn ở các ngư trường, giá bán cũng “nhích” dần nên ông lại cùng bạn thuyền ra khơi.
“Tàu tôi có công suất 70 CV, đánh bắt cách bờ khoảng 40 hải lý. Sau 3 ngày ra khơi, chúng tôi thu về hơn 2 tạ cá nhỡ, tính ra khoảng 10 triệu đồng. Với 6 lao động trên tàu, số tiền thu được như hiện nay chưa phải là lớn nhưng cũng góp phần cải thiện phần nào khó khăn của bà con ngư dân sau sự cố môi trường” - ông Thành chia sẻ.
Từ ngày biển xảy ra sự cố, tàu của anh Nguyễn Trọng Việt (thôn Xuân Nam, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cũng phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Dẫu vậy, anh không hề bỏ biển. Làm ăn trên biển, bờ ở đâu, thị trường ở đó, nhiều tháng trời, lúc anh đánh ở tận Nghệ An, lúc lại đi vào tận miền trong.
Anh Việt cho biết: “Tàu của tôi có công suất 275 CV, chủ yếu làm nghề dạ. Gặp sự cố môi trường, nghề dạ gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc ngư trường của mình khó khăn thì đành phải theo thuyền đánh bắt ở tỉnh bạn. Thời gian gần đây, khi môi trường được cải thiện hơn, tôi lại quay về. Tuy sản lượng chưa nhiều như trước nhưng môi sinh vùng biển đã thay đổi hẳn, các loài cá, tôm cũng phong phú hơn so với đầu năm”.
Cá biển tươi ngon vừa cập Cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) được tiểu thương nhanh tay lựa chọn
Các đội tàu xa bờ của Xuân Hội (Nghi Xuân), Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) cũng đang dần trở lại nhịp hoạt động như trước đây. Theo bà con ngư dân, thời điểm này, cá đã trở lại khá đều ở các ngư trường; sản lượng đánh bắt khá hơn, thị trường cũng bắt đầu chấp nhận sản phẩm, nhất là sau các công bố của cơ quan chức năng về môi trường biển miền Trung.
So với những địa phương khác thì tình hình đánh bắt của các đội tàu xa bờ ở Xuân Hội (Nghi Xuân) hiệu quả hơn. Địa phương này tập trung nhiều nhất đội tàu đánh bắt xa bờ, vì thế, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn. Theo thống kê, hiện tại, 100% tàu thuyền của xã đã ra khơi (96 chiếc), trong đó, 25 chiếc đánh bắt xa bờ. Đáng mừng là gần như sản lượng đánh bắt xa bờ không hề sụt giảm, thậm chí vào thời điểm gần 1 tháng nay, có tăng so với cùng kỳ.
Anh Nguyễn Lưu Truyền - chủ tàu được đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP cho biết: “Từ khi hạ thủy, tàu của tôi vẫn ra khơi đều đặn, đánh bắt tận đảo Hải Nam và vùng đánh cá chung. Thường thì 10 ngày, tôi lại vào bờ 1 lần, nhìn chung, so với gần bờ thì hải sản xa bờ vẫn ổn định và sản lượng khá cao”.
Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, tình hình đánh bắt thủy, hải sản đang dần được khôi phục. Lượng tàu thuyền đánh bắt tăng dần, trong đó, số tàu khai thác ven bờ đạt tỷ lệ từ 70-80%, tàu xa bờ đạt từ 85-90%. Đặc biệt, có 2/17 tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP đã đưa vào sản xuất và cho sản lượng cũng như sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
(Còn nữa)