Triển vọng nuôi ếch thương phẩm trên ao cá của nông dân Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Mô hình nuôi ếch thương phẩm trên ao cá của ông Nguyễn Văn Thân (thôn Tân Thuận, xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không chỉ tận dụng được thức ăn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường...

Năm 2019, nhận thấy ao trước nhà rộng 1.500 m2 chỉ dùng để thả nuôi cá thì hơi lãng phí, thu nhập lại không đáng là bao. Sau khi tìm hiểu trên mạng và sách báo, ông Nguyễn Văn Thân (SN 1968) ở thôn Tân Thuận, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) đã quyết định thử nghiệm mô hình nuôi ếch trong lồng ở tầng mặt kết hợp nuôi cá dưới hồ.

Nghĩ là làm, ông Nguyễn Văn Thân đã đổ cọc bê tông, dùng tre và lưới để xây dựng chuồng nuôi ếch trên mặt nước. Ở phía trên, ông sử dụng các tấm lưới để che chắn, tránh nắng cho ếch. Cách làm này giúp ông Thân tiết kiệm rất nhiều chi phí xây dựng mô hình.

Sau khi hoàn thành 4 lồng nuôi, ông Thân đã đặt con giống ở Hà Nội và nuôi thử nghiệm. Từ chỗ ban đầu chỉ nuôi 1.000 con, hiện nay, mô hình nuôi ếch trong lồng lưới của ông Nguyễn Văn Thân đã nhân rộng lên 4.000 con/lứa.

Để ếch sinh trưởng phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao, ông Thân thường xuyên kiểm tra vệ sinh lồng nuôi nhằm hạn chế chất cặn bẩn ảnh hưởng đến hô hấp và làm ếch bị nhiễm bệnh. Ếch là loài ăn thịt lẫn nhau, con lớn thường nuốt con bé. Nắm được tập tính này của loài ếch nên ông Thân luôn chú ý san thưa, lọc và phân cỡ ếch để hạn chế hiện tượng ếch ăn thịt nhau gây hao hụt, giảm tỷ lệ sống.

Ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ: "Nuôi ếch khá nhàn và tiết kiệm chi phí do ếch ăn khá ít, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 bữa. Trên là ếch, dưới là cá nên thức ăn rơi vãi của ếch cũng sẽ là nguồn thức ăn cho cá, nhờ vậy mà vừa tránh lãng phí thức ăn, vừa hạn chế khả năng ao nuôi bị ô nhiễm. Với 4.000 con ếch/lứa, hiện tại, bình quân mỗi ngày, gia đình tôi bán từ 2 - 4 yến ếch cho các nhà hàng, quán ăn và người dân địa phương với giá 60.000 đồng/kg, làm sạch thì 90.000 đồng/kg".

Để tạo ra sản phẩm sạch, gia đình ông Nguyễn Văn Thân không sử dụng cám công nghiệp mà tự sản xuất thức ăn bằng nguyên liệu tự nhiên như: bèo, ốc, ngô, cá các loại...

Các nguyên liệu này được cắt nhỏ và bỏ vào máy xay để tạo ra loại cám riêng dành cho ếch. Với nguồn thức ăn tự chế này, ông Nguyễn Văn Thân không chỉ tiết kiệm được chi phí trong quá trình nuôi mà còn nâng cao chất lượng thịt cho đàn ếch. Tuy nhiên, vì nuôi bằng thức ăn hữu cơ nên thời gian nuôi mỗi lứa ếch của ông Thân kéo dài từ 4 - 5 tháng; thay vì nuôi 3 tháng như các mô hình khác.

Thường xuyên mua ếch của gia đình ông Thân, anh Lê Quang Trung ở thôn Hưng Lộc, xã Cẩm Hưng cho biết: "Ếch được nuôi bằng thức ăn tự nhiên, lại nuôi lâu ngày nên thịt rất săn chắc và có độ dai nhất định. Mặc dù là ếch nuôi nhưng không khác gì ếch tự nhiên ngoài đồng. Người dân xung quanh rất tin tưởng và thường xuyên vào tận mô hình để mua ếch về sử dụng".

Theo nhẩm tính của gia đình, với 4.000 con/lứa, trung bình mỗi lứa, ông Nguyễn Văn Thân xuất bán ra thị trường trên 1.200 kg thịt ếch. Với giá bán 60.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập trên 70 triệu đồng mỗi lứa. Ngoài thu nhập từ ếch, mỗi năm, gia đình ông Thân còn thu trên 30 triệu đồng từ thả các loại cá: cá leo, cá chép, cá rô phi... Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thân dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi 10.000 con/lứa vào đầu năm 2023. Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực từ Hội Nông dân xã Cẩm Thịnh, gia đình sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra.

Mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp thả cá của ông Nguyễn Văn Thân đang cho thấy triển vọng, là hướng phát triển kinh tế phù hợp, đem lại hiệu quả thu nhập cao. Hiện nay, địa phương đang giao cho hội nông dân tích cực hỗ trợ chủ mô hình kết nối các kênh tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế cho địa phương.

Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh Nguyễn Hữu Thịnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói