Những năm gần đây, nạn chuột hoành hành gây tổn thất lớn cho bà con nông dân ở nhiều địa phương. Tại xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh), vụ sản xuất hè thu năm 2023 bị thiệt hại nặng nề do nạn chuột phá hoại.
Ông Trần Trần Văn Đảm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Môn cho biết, vụ hè thu năm 2023, toàn xã có hơn 50 ha diện tích lúa bị hư hỏng do chuột phá hoại. Trong đó, riêng tại đồng Đập Ghè (thôn Quyết Tiến) có hơn 20 ha diện tích lúa gần như bị mất trắng. Ngoài ra, sản xuất rau sạch vụ đông cũng bị chuột phá hoại từ khi cây con cho đến khi có sản phẩm. Dù bà con nhân dân đã dùng nhiều biện pháp như bẫy, bã, đánh bắt thủ công, che chắn bằng ni lông... nhưng hiệu quả không đáng kể. Tình trạng này khiến một số nông dân chán nản, ngại sản xuất.
Trước thực trạng nạn chuột đồng phá hại, ông Nguyễn Tiến Đường (thôn Tiền Tiến) đã có sáng kiến cải tiến bẫy bán nguyệt với mong muốn giúp bà con trong xã diệt trừ loài dịch hại nguy hiểm này hiệu quả hơn.
Ông Đường là cán bộ cấp xã chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn về hưu. Trước nay, ông vẫn gắn bó với đồng ruộng và thấu hiểu nỗi cực nhọc của người nông dân trong "cuộc chiến" chống nạn chuột. Ông từng là thành viên đội tuyển Nông dân Hà Tĩnh 2 lần giành giải nhất Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc (năm 2012 và 2017).
"Tôi có 5 sào lúa, hằng năm đều bị chuột phá hoại, đặc biệt là vụ hè thu năm 2023, thiệt hại khá nặng nề. Cũng từ đó, tôi luôn đau đáu suy nghĩ, tìm giải pháp để phòng trừ chuột hiệu quả hơn. Hằng ngày, tôi xem tài liệu trên mạng internet để tìm hiểu về loài chuột, xem tập tính, thói quen, thức ăn, thậm chí mổ bụng con vật để… nghiên cứu", ông Đường chia sẻ.
Qua nghiên cứu, ông Đường nhận thấy loài chuột có tính đa nghi, rất khó sập bẫy. Trong khi đó, tốc độ sinh sản của chuột rất nhanh, trong 1 năm, 1 cặp chuột sinh sản có thể nhân đàn lên cả nghìn con; các loài thiên địch như mèo, một số loại chim và đặc biệt là rắn ngày càng ít đi nên loài chuột càng sinh sôi, phát triển mạnh. Thời gian qua, bà con đã tìm nhiều cách nhưng kém hiệu quả. Việc dùng bã bằng thuốc thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi do thuốc, bả rơi vãi, bị nước mưa rửa trôi...
"Trong một lần suy nghĩ, trong đầu tôi nhớ lại về cách đặt mìn vướng trong quân sự. Tôi đã cải tiến chiếc bẫy theo cơ chế này, dùng bẫy bán nguyệt rồi cắt, sửa bộ phận dùng để ngoắc mồi trở thành bàn đạp; mồi nhử sẽ đặt dưới đất. Khi con chuột tiến lại mồi nhử, nó sẽ vô tình dẫm qua bàn đạp và trúng bẫy. Qua nhiều lần thử nghiệm, rút kinh nghiệm, đến nay chiếc bẫy đã gần như hoàn chỉnh” - ông Đường chia sẻ.
Khi cải tiến thành công, ông Đường cũng “khoe” thành tích lên nhóm zalo của thôn, cho người dân mượn bẫy, hướng dẫn làm bẫy và ai cũng sử dụng hiệu quả.
Tính từ đầu vụ xuân đến nay, bà con xã Đồng Môn đã tiêu diệt hàng nghìn con chuột, nhờ đó giảm được tỷ lệ phá hại rõ rệt trên đồng ruộng. Bà con ai nấy đều phấn khởi. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều hộ dân ở các thôn khác, xã khác cũng đã đến học hỏi hoặc mua lại bẫy để diệt chuột.
Anh Phạm Quốc Thể - thôn Tiền Tiến phấn khởi khởi nói, gia đình tôi làm gần 1 mẫu ruộng. Vụ hè thu năm ngoái bị chuột phá gần 3 sào, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng. Mặc dù thất thoát rất lớn nhưng gần như không có cách nào diệt chuột hiệu quả. Vụ xuân năm nay, khi được biết đến bẫy cải tiến của ông Đường, chúng tôi về làm thử và sử dụng rất hiệu quả. Tôi thường đặt bẫy theo hình thức cách nhật, mỗi lần đặt 5 bẫy và ít nhất có 3 con dính bẫy. Bây giờ cả làng cùng đánh bẫy nên giảm hẳn được lượng chuột phá hoại trên đồng.
So sánh bẫy cải tiến của ông Đường với với các biện pháp diệt chuột khác cho thấy, chiếc bẫy mới có hiệu quả nhất, trong khi chi phí rất thấp, dễ làm, sử dụng được nhiều lần, thân thiện với môi trường và sử dụng được trong nhiều địa hình. Mặc dù nửa đầu vụ Xuân 2024 các đồng lúa vẫn bị chuột phá hoại nhưng sau khi bà con tập trung diệt chuột thì tình trạng ngày càng được cải thiện. Quan trọng nhất là người nông dân rất vui mừng, phấn khởi yên tâm sản xuất. Bà con cũng gọi vui ông Đường là "Vua diệt chuột".
Ông Trần Trần Văn Đảm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Môn