Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu điều kiện Ukraine phải từ bỏ hoàn toàn ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như đề xuất việc giới hạn quy mô quân đội Ukraine như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Tuy nhiên, Ukraine kiên quyết phản đối đề xuất này. Ông Pavlo Palisa, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời là thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine trong các cuộc gặp với quan chức Mỹ tại Saudi Arabia (Ảrập Xêút) hồi tháng trước đã bác bỏ yêu cầu trên của Moskca. Ông nhấn mạnh một quân đội được trang bị và huấn luyện đầy đủ chính là yếu tố đảm bảo an ninh thiết yếu cho Ukraine.
Trong cuộc họp tại Saudi Arabia, Ukraine đã chấp thuận đề xuất của Mỹ về một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, sau khi Washington khôi phục viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Kiev. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định cần có những điều kiện cụ thể trước khi một lệnh ngừng bắn có thể thực sự được triển khai.
Hai bên sau đó đã đạt được thỏa thuận tạm thời về việc không tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Mặc dù vậy, kể từ đó, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương vi phạm cam kết.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán để kết thúc cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài vẫn còn rất xa vời khi giao tranh tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực trên lãnh thổ Ukraine.