Vào sổ họ cho con, phong tục đẹp dịp Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong các nghi lễ được thực hiện tại nhà thờ các dòng họ ở Hà Tĩnh vào dịp Rằm tháng Giêng, lễ vào sổ họ cho những em bé mới sinh là một trong những nét văn hóa có ý nghĩa của sự kế thế, tiếp nối truyền thống của dòng họ.

Vào sổ họ cho con, phong tục đẹp dịp Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Lễ tế Rằm tháng Giêng là phong tục văn hóa được các dòng họ ở Hà Tĩnh duy trì qua nhiều đời nay. Trong ảnh: Nhà thờ họ Đặng ở thôn Minh Tiến (xã Tùng Lộc, Can Lộc)

Xuân Nhâm Dần 2022 này, gia đình anh Mai Văn Quyền (thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) thêm niềm vui khi đón con trai thứ 2 chào đời. Theo phong tục truyền thống, Rằm tháng Giêng này, vợ chồng anh sẽ làm lễ vào sổ họ cho con. Anh Quyền cho biết: “Ông bà ta có câu “chim có tổ, người có tông”, mỗi người sinh ra cần có tên, họ. Vì vậy, ngoài việc đi đăng ký khai sinh cho con theo quy định của Nhà nước, chúng tôi cũng mong sớm báo cáo với tổ tiên cũng như anh em trong dòng họ của mình về sự ra đời của cháu”.

Để chuẩn bị cho con “ra mắt” dòng tộc, họ hàng trong dịp tế tổ Rằm tháng Giêng, việc đầu tiên anh Quyền báo cáo với trưởng tộc về tên con, ngày, tháng, năm sinh. Đồng thời, anh cũng xin làm một cái lễ nhỏ gồm hương, đèn, cau trầu, một mâm xôi gà… để dâng lên bàn thờ tổ mong được tổ tiên chứng giám và ban lộc cho con khỏe mạnh.

Vào sổ họ cho con, phong tục đẹp dịp Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Để vào sổ họ cho con, cháu dịp Rằm tháng Giêng, các gia đình thường chuẩn bị cỗ cúng xôi gà và thứ không thể thiếu là "Hương đăng phù tửu" - hương, rượu, cau trầu... để kính cáo với tổ tiên. Ảnh Internet

Về phía các trưởng tộc và ban điều hành tế lễ của các dòng họ, việc làm lễ ra mắt các thành viên mới của dòng họ là một nội dung được coi trọng trong lễ tế tổ Rằm tháng Giêng. Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng tộc họ Đặng (thôn Minh Tiến, xã Tùng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Ở dòng họ chúng tôi, việc làm lễ vào họ cho các cháu nhỏ mới sinh vào dịp Rằm tháng Giêng được chia ra một mục tế lễ gọi là lễ vào sổ họ. Đây là một nghi lễ được chúng tôi duy trì từ rất nhiều đời nay”.

Theo gia phả họ Đặng đại tôn thì vị thỉ tổ khai sinh ra dòng họ này bắt đầu từ năm 1296. Từ vị thỉ tổ đời thứ nhất là ông Đặng Bá Kiển, đến đời sau này có nhiều người nổi bật cống hiến nhiều công trạng cho đất nước như danh nhân Đặng Dung và Đặng Tất. Hiện, con cháu họ Đặng có đến hàng nghìn người, trong đó nhiều người đi ra hiển đạt đang giữ những vai trò quan trọng phục vụ đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Vào sổ họ cho con, phong tục đẹp dịp Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng tộc họ Đặng (Tùng Lộc, Can Lộc), nghi lễ vào họ cho trẻ em mới sinh dịp mới sinh thường do chủ tế là trưởng tộc thực hiện.

Ông Đặng Văn Tuấn cho hay, lễ vào họ cho con cháu không đòi hỏi cầu kỳ mà tùy vào điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên, thứ cần đủ là “hương, đăng, phù, tửu”, nghĩa là lễ cần có hương, nến, rượu, cau trầu để dâng lên báo cáo với tổ tiên. Sau khi dâng lễ lên bàn thờ tổ, chủ tế sẽ đọc họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của đứa trẻ; tên tuổi bố mẹ… và báo cáo với tổ xin được vào họ cho con, cháu. Sau đó, chủ tế hoặc ông câu đương của họ cũng thông báo với anh em, con cháu dòng họ có mặt trong buổi tế lễ về số lượng con cháu mới vào họ và tên tuổi, con gia đình nào cho cả họ được biết để cùng chúc mừng.

Không chỉ ở Lộc Hà, Can Lộc, nhiều địa phương khác ở Hà Tĩnh cũng có truyền thống thực hiện lễ vào sổ họ cho con cháu. Về nghi thức ở các dòng họ đều cơ bản giống nhau nhưng tùy theo quy định riêng và tâm nguyện của mỗi gia đình mà lễ vào họ cho con cháu cũng có sự linh động.

Vào sổ họ cho con, phong tục đẹp dịp Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Các vị chức trách tại các nhánh họ Đặng Đại tôn xã Tùng Lộc (Can Lộc) họp bàn tế tổ gọn nhẹ, đơn giản phòng dịch trong dịp Rằm tháng Giêng năm 2022.

Ông Nghiêm Thặng (tổ dân phố Đại Nghĩa, thị trấn Đức Thọ) cho biết: “Lễ vào họ cho con cháu ở họ Nghiêm chúng tôi thống nhất: mỗi gia đình có con, cháu vào họ thì thường đóng 100-200 nghìn đồng vào quỹ họ, gọi là công đức để xây dựng, sửa sang nhà thờ… Tuy nhiên, nhiều gia đình có điều kiện khá dịp này cũng công đức số tiền nhiều hơn hoặc hiện vật gì đó, tùy theo phát tâm của mỗi người, không bắt buộc”.

Việc làm lễ vào sổ họ cho con cháu mới sinh tại nhà thờ dịp Rằm tháng Giêng không chỉ là dịp xác nhận “danh tính” cho đứa trẻ trước tổ tiên mà còn là dịp để anh em đồng tộc biết đến nhau, để từ đó cùng hướng về một cội nguồn, tăng tình đoàn kết trong họ hàng.

Truyền thống tế tổ Rằm tháng Giêng và lễ vào sổ họ cho con cháu mới sinh được người Hà Tĩnh duy trì và phát huy trong đời sống hiện đại như một nghi lễ văn hóa đẹp mang tính truyền sinh, kế thừa.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.