Vì sao giá tôm thương phẩm tăng cao, nông dân Hà Tĩnh vẫn kém vui?

(Baohatinh.vn) - Giá tôm thương phẩm tại Hà Tĩnh hiện đang tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, người dân vẫn không mấy vui mừng vì thời tiết diễn biến thất thường, môi trường nuôi ảnh hưởng khiến sản lượng, năng suất vụ xuân hè 2022 sụt giảm.

Nhiều người nuôi tôm ở các địa phương không có tôm bán với số lượng lớn trong khi giá tôm đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ ổn định.

Sau hơn 3 tháng chăm sóc, gia đình anh Dương Minh Trang (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh) đành chấp nhận bán sớm số tôm có trong hồ. Anh Trang chia sẻ: “Vì một hồ của gia đình bị nhiễm dịch đốm trắng nên sau khi xác định số tôm trong 4 hồ còn lại đang an toàn, chúng tôi cho thu hoạch và bán sớm hơn dự kiến. Kích cỡ tôm khoảng 80 con/kg, mức giá trung bình 110.000 đồng/kg, vì bán “non” nên vụ này tôi chỉ thu được gần 2 tấn. Điều này khiến gia đình gặp khó khăn trong xoay vòng vốn và khả năng cao sẽ không đủ vốn đầu tư thả nuôi vụ tiếp theo”.

Cũng tại huyện Kỳ Anh, trên diện tích nuôi hơn 1 ha, anh Lê Văn Vân (xã Kỳ Hải) vừa xuất ra thị trường gần 4 tấn tôm thương phẩm có kích cỡ từ 40 - 60 con/kg với giá 160 - 220.000 đồng/kg. Anh cho biết: “Vụ tôm này được xem là vụ nuôi khó khăn nhất trong vài năm trở lại đây vì dịch bệnh phức tạp, mất công chăm sóc. Thời tiết diễn biến thất thường, mưa nắng đan xen, môi trường nước liên tục thay đổi làm tôm trong ao bị chết khá nhiều. Dù so với vụ trước, giá bán ra cao hơn hẳn nhưng chi phí đầu tư lớn, sản lượng thấp (các vụ trước khoảng 6 tấn) nên tôi cũng không mấy vui mừng”.

Rất ít hộ nuôi tôm ở huyện Kỳ Anh nuôi được tôm đạt đến kích cỡ 40 - 60 con/kg, chủ yếu là bán “non” ở mức 70 - 100 con/kg.

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải Phạm Văn Tịnh, toàn xã có hơn 110 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Bước vào vụ tôm xuân hè, người dân cũng đã chủ động nâng cấp các hạng mục để phát triển nuôi bán thâm canh và thâm canh. Tuy nhiên, các yếu tố bất lợi tác động nên tôm rất khó chăm sóc, dễ bị dịch bệnh. Đối với số diện tích tôm sống sót thì sinh trưởng, phát triển khá chậm, phải kéo dài thời gian nuôi.

Chung cảnh khó khăn, người nuôi tôm tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) cũng đang đối mặt với vụ tôm thất bát. Anh Nguyễn Tiến H. (tổ dân phú Tân Phú, thị trấn Thiên Cầm) thông tin: “Đợt này giá tôm đang rất tốt nhưng các hộ nuôi ở đây lại không có sản phẩm để bán. Từ tháng 4 đến nay, tôi đã thả giống 3 đợt nhưng đều phải dừng giữa chừng để “xả hồ” vì tôm chết khá nhiều mà chưa rõ nguyên nhân. Các bạn nuôi của tôi ở xã Cẩm Dương, Yên Hòa... cũng khó khăn trong quá trình thả nuôi, chăm sóc. Tình hình này đã được chúng tôi thông tin với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để cử cán bộ kỹ thuật về kiểm tra lại môi trường và các yếu tố liên quan”.

Ngành chuyên môn khuyến khích người nuôi nên áp dụng nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn để tôm đạt kích cỡ tốt mới đem ra thả nuôi ở ao chính, hạn chế các rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.

Qua khảo sát, hiện nay, tôm sống thương phẩm loại từ 40 con/kg có giá 220.000/kg, 50 con/kg giá 180.000 đồng/kg, 60 con/kg giá 160.000 đồng/kg, 70 - 80 con/kg giá 120 - 140.000 đồng/kg, 100 con/kg giá 112 - 115.000 đồng/kg. Tôm cấp đông vào các nhà máy thường sẽ thấp hơn tôm sống từ 20 - 30.000 đồng/kg tuỳ loại.

Nguyên nhân giá tôm năm nay liên tục duy trì ở mức cao là do nhu cầu thị trường trong nước và nội tỉnh tăng nhanh trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cùng đó, nguồn cung hạn chế vì các vùng nuôi ở các địa phương gặp khó khăn, sản lượng tôm nuôi sụt giảm mạnh so với các vụ trước.

Giá tôm thẻ chân trắng tại Hà Tĩnh đang duy trì ở mức cao trong 2 năm trở lại đây.

Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, năm nay, các địa phương xuống giống muộn hơn, do đó chính vụ thu hoạch vụ tôm xuân hè ở Hà Tĩnh tập trung từ cuối tháng 7 đến nay. Mặc dù giá tôm thẻ chân trắng ở mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây nhưng đây lại là vụ nuôi khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường khiến sức đề kháng của tôm kém, chậm lớn, dễ nhiễm bệnh như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng... Thậm chí, rất nhiều hộ phải thả nuôi lại nhiều lần, bán “non” tôm nên không đạt được giá như mong muốn".

Hiện nay, sau khi thu hoạch tôm, một số hộ dân đã bắt đầu chuẩn bị vệ sinh ao hồ, xử lý môi trường, chỉnh sửa hệ thống hạ tầng để bắt đầu vụ nuôi mới. Theo ngành chuyên môn, vụ nuôi mới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do trùng với thời điểm mưa lũ lớn trong năm. Vì vậy, người dân nên xem xét thu hẹp quy mô và mật độ thả nuôi, nên thả theo hình thức cuốn chiếu, khuyến khích áp dụng nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn để tôm đạt kích cỡ tốt mới đem ra thả nuôi ở ao chính. Đồng thời, cần quản lý tốt môi trường nuôi, chủ động phòng ngừa dịch bệnh...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói