Vùng núi Hương Khê phòng chống dịch bệnh, đói, rét trên vật nuôi

(Baohatinh.vn) - Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) đang chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét trên đàn vật nuôi nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan đang diễn ra.

Những ngày này, không khí lạnh tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khu vực huyện miền núi Hương Khê, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12 - 140C, có nguy cơ ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Đây cũng là thời điểm bà con đang chuẩn bị tái đàn đàn gia súc, gia cầm sau Tết… nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng của đói rét tác động xấu đến sản xuất chăn nuôi là rất cao. Bởi vậy, huyện Hương Khê đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân tăng cường các biện pháp phòng chống đói rét, giữ ấm cho đàn vật nuôi.

Bà Đinh Thị Hương (thôn 3, xã Hương Đô) chủ động nhốt vật nuôi trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Về phía người dân, khi được tuyên truyền, bà con nhanh chóng áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ những "đầu cơ nghiệp". Như tại thôn 3, xã Hương Đô, khi có thông tin về đợt rét đậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương, người dân dặn dò nhau không chăn, dắt trâu, bò ra đồng; giúp đỡ, hỗ trợ nhau che chắn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại.

Bà Đinh Thị Hương – người dân thôn 3, xã Hương Đô chia sẻ: "Là miền núi nên thời tiết ở Hương Khê sẽ rất giá buốt, khó chịu. Đàn vật nuôi vì thế cũng phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt hơn nơi khác. Vì vậy, ở làng chúng tôi nhà ai cũng dự trữ rơm khô để làm thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Bây giờ còn có cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, bổ sung thêm thức ăn tinh và thức ăn xanh từ cây ngô vụ đông nên người dân không còn nhiều lo lắng khi rét đậm, rét hại. Gia đình tôi có 2 con trâu và 1 con bò nái đều đang rất khỏe mạnh".

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn 1, xã Hương Thủy) chủ động trồng ngô sinh khối để làm thức ăn cho gia súc trong ngày rét.

Tương tự, nắm rõ đặc điểm khí hậu địa phương và chủ trương của huyện, xã, nhiều hộ gia đình ở xã Hương Thủy đã chủ động sản xuất thêm diện tích ngô sinh khối vụ đông để làm thức ăn xanh trong những đợt rét đậm, rét hại.

Nhờ những sào ngô sinh khối đang giúp chị Nguyễn Thị Nga (thôn 1, xã Hương Thủy) chủ động bảo vệ đàn gia súc vượt qua thời tiết khắc nghiệt. Chị Nga cho hay, hiện nay, gia đình chị có 4 con bò. Chủ động phòng, chống đói, rét, ngay từ đầu mùa đông, gia đình chị đã trồng hơn 1 sào ngô sinh khối. Ngoài ra đàn bò còn được cho ăn bổ sung rơm khô, thân cây chuối trộn cám ngô, cám gạo, nước muối… Chính nhờ việc chủ động thức ăn nên gia đình không phải chăn, thả bò ngoài đồng. Trong những ngày giá rét, gia đình tiếp tục dùng bạt quây xung quanh chuồng trại để giữ ấm.

Cây ngô sinh khối đang góp phần giúp người dân Hương Khê chủ động bảo vệ đàn gia súc vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Hiện nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Hương Khê có 33.295 con; đàn lợn 50.034 con; đàn hươu có 1.210 con; đàn gia cầm 1,25 triệu con... Để bảo đảm sự phát triển cho đàn vật nuôi trong thời tiết rét đậm, ngành nông nghiệp huyện Hương Khê đang phối hợp các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét và tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh sau tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết: "Địa phương đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến tận người chăn nuôi về các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm trong phòng, chống đói, rét, dịch bệnh. Người dân đã biết chủ động ủ chua thức ăn, trồng ngô sinh khối... để làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Dù vậy, quan điểm của địa phương là không được chủ quan trước diễn biến thời tiết, chúng tôi đã yêu cầu các phòng, ngành, địa phương liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, đặc biệt những đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết và chủ động các biện pháp phòng, chống".

Cũng theo huyện Hương Khê, huyện sẽ phân công cán bộ chuyên môn về tận thôn, xóm để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi.

Đồng thời, tăng cường cao các giải pháp về phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi; khuyến cáo bà con nông dân bổ sung thức ăn, chăm sóc sức khoẻ cho vật nuôi; khi có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh, cần báo cáo lên chính quyền địa phương để chủ động khống chế.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói