Vườn mẫu xã vùng biển Hà Tĩnh “hái lộc” đầu năm

(Baohatinh.vn) - Khu vườn rộng gần 3.000 m2 cùng nhà lưới trồng rau rộng hơn 700 m2 với các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt phong phú cho thu hoạch từ Tết Nguyên đán ra đến rằm tháng Giêng đang mang lại cho gia đình chị Nguyễn Thị Ngụ (thôn Sơn Hải, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) niềm vui "hái lộc" đầu năm.

Video: Chị Nguyễn Thị Ngụ chia sẻ niềm vui thu hoạch đầu năm

Năm 2016, tranh thủ chính sách hỗ trợ làm nhà lưới trồng rau của huyện Kỳ Anh, gia đình chị Ngụ quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng khu nhà lưới trồng rau với diện tích gần 750 m2. Đây là nhà lưới trồng rau có diện tích lớn nhất ở huyện Kỳ Anh hiện nay. Chính sách của huyện hỗ trợ hơn 1/2 chi phí đầu tư nên vợ chồng chị yên tâm sản xuất.

Mùa nào rau đó, các loại rau ngắn ngày được ươm trồng trong nhà lưới phát triển rất tốt. "Có nhà lưới, vườn rau tránh được những tác động bất lợi của thời tiết như mưa, nắng, sương muối. Ngoài ra, đất luôn được tơi xốp, các loại sâu bọ cũng được hạn chế đáng kể. So với trồng rau như truyền thống, ứng dụng kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới hiệu quả cao hơn hẳn" - chị Ngụ cho biết.

Vào mùa này, vườn chủ yếu trồng các loại rau cải, rau muống và rau thơm, hành tăm. Nhờ ít sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc hóa học nên sản phẩm của gia đình chị Ngụ khá đắt hàng. Khách thường đến tận vườn, vợ chồng chị chỉ cần thu hái, bán tại chỗ.

Chị Ngụ cho biết, tết này khách thường đến mua rau về làm món lẩu. Từ ngày mồng 2 đã có người đến mua. Những dịp đắt hàng như ngày tết, mỗi ngày vườn rau cho thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày.

Những ngày này, để kịp thời gối lứa, gối vụ, chị Ngụ tranh thủ thời gian hiếm hoi ngày tết để trồng những lứa cải mới để bán nối nhau từ sau tết đến tận rằm tháng Giêng.

Còn anh Cao Ngọc Đồng (chồng chị Ngụ) bắt tay chuẩn bị dàn leo để ra tết trồng dưa chuột, đậu cô ve. "Ở những thời điểm thị trường nhiều sản phẩm rau ngắn ngày thì vườn của mình phải có những loại rau củ khác. Từ tháng 2 đến tháng 4 AL, chúng tôi chủ yếu thu nhập từ sản phẩm đậu cô ve và dưa chuột", anh Đồng chia sẻ.

Khu vườn của vợ chồng chị Ngụ, ngoài rau, còn có hàng trăm cây ăn quả khoảng 2 năm tuổi. Trong đó, mấy chục gốc ổi cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Ngày tết, nhu cầu của người tiêu dùng khá lớn nên sản phẩm khá đắt hàng. Có bao nhiêu, khách đến mua bấy nhiêu, chị Ngụ không phải ra chợ bán.

Đặc biệt, tận dụng diện tích vườn rộng gần 3.000 m2, vợ chồng chị Ngụ nuôi gà, thả lợn rừng. Với sản phẩm chủ lực chăn nuôi là gà thịt, mỗi năm chị nuôi 3 lứa, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Riêng dịp này, gia đình chị có khoảng 500 con phục vụ thị trường Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng.

Với sự cần mẫn, nhanh nhạy, chỉ sau hơn 2 năm bắt tay xây dựng vườn mẫu với đa đạng các loại cây, con, gia đình chị Ngụ đã đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; khu vườn đã được công nhận vườn mẫu. Mô hình của chị Nguyễn Thị Ngụ - anh Cao ngọc Đồng đang được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và được xã Kỳ Khang triển khai nhân rộng.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói