Vườn quất cảnh hơn 1.200 gốc ở huyện miền núi Hà Tĩnh chờ ngày “xuống phố”

(Baohatinh.vn) - Dịp tết năm nay, gia đình anh Nguyễn Song Thao (SN 1985) ở thôn Lâm Phúc, xã Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) sẽ “tung” ra thị trường hơn 1.200 gốc quất cảnh. Nhờ được chăm sóc tốt nên cây phát triển đồng đều, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu khá cho chủ vườn.

Video: Vườn quất của anh Nguyễn Song Thao ở xã Sơn Lâm.

Gia đình anh Nguyễn Song Thao ở thôn Lâm Phúc, xã Sơn Lâm trồng quất cảnh đã được hơn 4 năm nay và hiện đang là nhà vườn duy nhất tại huyện Hương Sơn đầu tư trồng loại cây này. Để kịp xuất bán dịp tết sắp tới, thời điểm này, gia đình anh đang tập trung chăm sóc hơn 1.200 gốc quất cảnh. Trong đó, có 1.000 gốc quất cỡ lớn và hơn 200 gốc quất bon sai.

Anh Thao cho biết: "Trồng quất cảnh tốn khá nhiều công sức, nhất là việc chăm sóc bộ rễ của cây. Quất đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào bộ rễ, nếu bộ rễ đẹp thì khi khách mua về chưng tết sẽ để được lâu, còn khi bị hỏng rễ quất thường xấu mã và không bền. Ngoài rễ, việc theo dõi, chăm sóc các bộ phận khác trên cây cũng luôn được tôi chú trọng".

Những cành sâu bệnh, cành khuất sâu trong tán và cành vượt được anh Thao bấm tỉa thường xuyên để cây cho dáng đẹp và quả đều. Ngoài ra, để cây phát triển khỏe mạnh, anh thường xuyên bón thêm phân chuồng ủ hoai mục và phân lân.

Với hơn 4 năm trồng quất, anh Thao cho biết, nghề trồng quất cảnh khó nhất là công việc “gò quất”, cắt tỉa, tạo dáng cho cây. Quất là loại cây cho ra quả quanh năm, nhưng để điều chỉnh cho quất có quả đúng vào dịp tết thì cần có kỹ thuật và kinh nghiệm dày dặn.

"Trong khoảng tháng 5 và tháng 6 âm lịch, người trồng phải thăm vườn thường xuyên, nếu phát hiện cây nào có quả cần cắt bỏ kịp thời. Giai đoạn cho cây đậu quả đẹp nhất là vào tháng 7 âm lịch, bởi đậu quả thời điểm này sẽ giúp quả chín vào đúng dịp tết, nâng giá trị quất cảnh, từ đó mang về cho nhà vườn nguồn thu cao hơn" - anh Thao bật mí.

Anh Thao chia sẻ thêm, trồng quất có thể trồng thẳng trực tiếp trên đất nhưng cũng có thể trồng vào chậu. Tuy nhiên, để quất phát triển khoẻ thì nên trồng ngoài đất vườn sau đó mới đưa vào chậu. Đất trồng cần lên luống cao, có rãnh thoát nước xung quanh tránh ngập úng, bởi quất úng nước sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.

Thời điểm thích hợp nhất để đưa cây vào chậu là vào khoảng tháng 9 âm lịch, bởi khi đó cây đã đậu quả. Hiện tại, gia đình anh Thao có 400 gốc quất được trồng trong chậu, số còn lại đang được anh chăm sóc trực tiếp trên đất.

Do cây quất ưa nước và mùa này thường hanh khô nên anh Thao phải tưới nước liên tục cho cây đủ nước, quả sẽ to và mọng hơn.

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất của gia đình anh Thao xanh mướt, cho quả căng tròn và vàng óng.

Tất cả đều đang phát triển đúng chu kỳ và sẽ xuất ra thị trường đúng dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Những ngày gần đây, vườn quất cảnh của anh Thao đã được một số tiểu thương ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đến hỏi mua. Anh Thao cho biết: "Với giá bán sĩ bình quân 350 nghìn đồng/gốc quất cỡ lớn và 50 nghìn đồng/gốc quất bon sai như năm ngoái, vụ tết năm nay, vườn của tôi sẽ cho doanh thu trên 350 triệu đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng gần 200 triệu đồng".

Tết Nguyên đán đang đến gần, hơn 1.200 gốc quất cảnh của gia đình anh Thao đã sẵn sàng mang sắc xuân “xuống phố”.

Mô hình trồng quất cảnh của gia đình anh Nguyễn Song Thao thành công đã khẳng định loại cây này phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của vùng đất Sơn Lâm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích bà con đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, từng bước nhân rộng diện tích trồng quất cảnh để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm Hoàng Duy Bằng

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói