Những xe chở gỗ nguyên liệu "nằm dài" dọc các tuyến đường quanh Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt
Có mặt tại Nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu Kỳ Anh của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tại xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), chúng tôi nhận thấy, cảnh tượng những chiếc xe chở gỗ nguyên liệu nối đuôi xếp hàng dài chờ đến lượt nhập hàng.
Hễ có bãi đất trống là các tái xế đánh xe vào đậu chờ đến lượt nhập hàng
Xe nằm chật kín các tuyến đường, tại các quán ăn, quán cà phê, thậm chí là cả ở cây xăng. Cứ hễ ở đâu có bãi đất trống là các tài xế lại cho xe vào đó đậu, chờ đến lượt. Theo nhiều chủ phương tiện, do gỗ nguyên liệu tăng đột biến sau bão trong khi chỉ có 2 đơn vị thu mua, nên phải mất từ 4-5 ngày mới có thể nhập được hàng.
Đại diện Nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng & xuất khẩu Kỳ Anh (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt) cho biết: mặc dù nhà máy đã hoạt động hết công suất, chạy cả ngày lẫn đêm nhưng do khối lượng gỗ của bà con quá lớn và keo tràm dần bị khô nên phải mất nhiều ngày mới có thể tiêu thụ được hết nguyên liệu.
Cây xăng cũng bị "vây"
Tình trạng quá tải cũng đang diễn ra tại Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty Hanviha. Các xe chở gỗ nguyên liệu đậu la liệt dọc các tuyến đường chính, đường nhánh xung quanh nhà máy diễn ra liên tục mấy ngày gần đây.
Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Giám đốc Công ty Hanviha cho biết, công suất của nhà máy tối đa chỉ khoảng 800 tấn/ngày nhưng hiện nay lượng gỗ bà con chở về tiêu thụ quá lớn nên để tiêu thụ hết các chủ phương tiện phải chờ 3 – 4 ngày.
Xe chở tràm chật cứng trong khuôn viên Nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu Kỳ Anh
Theo tài xế Nguyễn Văn Thanh (xã Kỳ Sơn), trong bão số 10 vừa qua không chỉ rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An cũng bị gãy đổ rất nhiều. Hà Tĩnh có các nhà máy hoạt động tốt để tiêu thụ gỗ cho bà con, mức giá ổn định nên nhiều đối tượng cũng vận chuyển keo tràm, gỗ từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An về bán, khiến cho lượng hàng tồn nhiều hơn.
Anh Nguyễn Tuấn ở xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh) cho biết, mặc dù không có cảnh tranh mua tranh bán nhưng việc ùn ứ phương tiện xe chở gỗ nguyên liệu sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: phát sinh chi phí vận chuyển; gỗ khô sẽ hao hụt; việc thu hoạch của người dân chậm trễ hơn…
Được biết, hiện công suất tối đa của Nhà máy chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu Kỳ Anh và Công ty Hanviha là khoảng gần 2.500 tấn/ngày trong khi số lượng gỗ cần tiêu thụ của người dân Kỳ Anh trên 5.000 tấn/ngày. |