Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh số người mắc COVID-19 ở Hà Tĩnh tăng cao, việc cách ly, điều trị tại nhà đối với F0, F1 mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác thải với những trường hợp này cần phải quản lý chặt, nếu không đây có thể là mầm bệnh làm lây lan dịch.

Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

Hà Tĩnh đang cách ly, điều trị tại nhà cho hơn 1.700 F0.

Từ đầu năm 2022 tới nay, đặc biệt là sau kỳ nghỉ tết Nhâm Dần, số người mắc COVID-19 ở Hà Tĩnh tăng nhanh; trong đó, có nhiều ca bệnh trong cộng đồng. Để tạo thuận lợi cho người dân cũng như giảm áp lực cho các cơ sở y tế, chính quyền địa phương đã cho phép cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Tĩnh, tính đến thời điểm chiều 26/2 có hơn 1.700 F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà. Cùng với các ca F0 thì toàn tỉnh còn có hàng chục nghìn cách ly chủ yếu tại nhà.

Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

Cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà giảm tải áp lực cho cơ sở y tế và tạo điều kiện cho người dân trong điều trị COVID-19.

Thực hiện cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà là chủ trương đúng đắn và phù hợp với chủ trường thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 mà Hà Tĩnh hướng tới. Tuy nhiên, hiện nay, công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt của những trường hợp cách ly vì COVID-19 ở các địa phương đang gặp không ít khó khăn.

Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

Việc rác thải của F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà nếu không được xử lý đúng quy định thì có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng với những quy định nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm.

Rác thải của người cách ly tại nhà phải phân loại với rác thải thông thường, đựng trong thùng rác chuyên dụng có nắp đậy, dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”, phun khử khuẩn và phải được ưu tiên thu gom, vận chuyển, xử lý ngay trong ngày. Nhân viên vệ sinh môi trường có đồ bảo hộ, sử dụng phương tiện chuyên dụng khi thu gom, vận chuyển và xử lý…

Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

Số lượng các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Hà Tĩnh vẫn đang tăng nhanh.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế lại gặp nhiều trở ngại, thậm chí là bất khả thi nếu các địa phương áp dụng hình thức xử lý theo đúng quy trình, quy định đưa ra.

Nguyên nhân xuất phát từ việc các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà phân bố rải rác trên nhiều địa bàn khiến công tác thu gom, vận chuyển rác gặp nhiều khó khăn (thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao, xe thu gom không đảm bảo và cũng không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ...).

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên vệ sinh môi trường, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương còn hạn hẹp.

Video: Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim nói về việc xử lý rác thải của F0, F1

Trước thực tế này, các địa phương ở Hà Tĩnh hiện đang hướng dẫn người dân tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt, chôn lấp hoặc thu gom cho vào túi bóng rồi sau khi hết bệnh sẽ thu gom, xử lý.

Ông Phạm Duy Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) cho hay: Toàn xã hiện có hơn 250 F0 và gần 1.000 F1 có quyết định cách ly, điều trị tại nhà nên việc xử lý rác thải của những trường hợp này là vấn đề nan giải.

Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, khi xác định các F0, F1 cách ly tại nhà, xã hướng dẫn họ cố gắng giảm bớt rác thải và trong sinh hoạt nên sử dụng đồ dùng một lần (hộp xốp, nhựa) rồi bỏ vào túi đựng rác, để trong nhà. Sau khi hết thời gian cách ly (7 – 10 ngày) thì có thể tự đốt hoặc phối hợp HTX dịch vụ môi trường để phun khử khuẩn và thu gom, xử lý.

Tuy nhiên, mặc dù chính quyền địa phương đã có các hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể về xử lý rác thải sinh hoạt đối với F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà nhưng một số hộ gia đình ở xã Thạch Kim vẫn chưa thực sự chấp hành tốt khi vẫn mang rác thải đặt, treo trước cổng nhà. Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Phạm Duy Khánh nói rằng, sẽ cho cán bộ y tế, tổ giám sát COVID-19 cộng đồng kiểm tra và nhắc nhở người dân thực hiện đúng hướng dẫn. Với số rác thải thì sẽ phun khử khuẩn và xử lý đúng quy định.

Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

Các loại rác thải sinh hoạt của F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà đều có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Còn tại xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà) - địa phương đang có 45 F0 cách ly, điều trị tại nhà thì hướng dẫn người dân tự xử lý các loại rác thải có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 bằng cách đốt đối với rác thải vô cơ (khẩu trang y tế, kit test, vỏ bánh kẹo, hộp nhựa…) và chôn lấp với rác thải hữu cơ (vỏ trái cây, hoa quả, các nguyên liệu xông…).

“Để xử lý rác thải có nguy cơ chứa COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế sẽ rất tốn kém, mất nhiều thời gian và tình hình thực tế của địa phương cũng khó có thể đảm bảo. Do vườn của các hộ gia đình đang cách ly, điều trị COVID-19 tại nhà có diện tích rộng, đáp ứng việc tự xử lý nên chúng tôi hướng dẫn bà con làm theo cách trên”, ông Lê Tiến Lương - Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ thông tin.

Trong khi đó, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) - địa phương đang có gần 260 F0 và hơn 180 F1 cách ly, điều trị tại nhà, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của những người này cũng không hề dễ dàng.

“Chúng tôi đang hướng dẫn F0, F1 tự thu gom rác thải hằng ngày và cho vào túi bóng, phun khử khuẩn bằng cồn 70 độ rồi tự đốt vào cuối ngày. Việc xử lý như vậy là đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và hoàn toàn phù hợp ở thời điểm này”, bác sỹ Lê Đình Tiến - Trưởng trạm Y tế thị trấn Thạch Hà cho hay.

Xử lý rác thải sinh hoạt của các F0, F1 cách ly tại nhà đúng cách để tránh nguy cơ lây nhiễm

Việc giám sát, kiểm tra của ngành chức năng trong việc chấp hành hướng dẫn xử lý rác thải của F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà là rất cần thiết.

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, bản thân những F0, F1 đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà cũng có ý thức cao trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch ra cộng đồng, trong đó có việc tự chủ động xử lý rác thải sinh hoạt mỗi ngày.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chỉ đạo các tổ giám sát, tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng và cán bộ y tế cũng thường xuyên giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc xử lý rác thải của F0, F1 cách ly tại nhà được thực hiện đúng theo hướng dẫn, khuyến cáo, tránh rủi ro lây lan trong cộng đồng qua con đường rác thải, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.