Ngày 3/11, đàn lợn 112 con của gia đình ông Hoàng Kim Dũng (thôn 3, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) bị ốm, dần bỏ ăn, đi ngoài và ho ra máu. Nghi lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ông Dũng báo với chính quyền địa phương để lấy mẫu đi xét nghiệm. Ngày 8/11, kết quả xét nghiệm cho thấy lợn của ông Dũng dương tính với DTLCP.
Lợn của gia đình ông Hoàng Kim Dũng (xã Nam Phúc Thăng) bị chết do DTLCP.
Ông Hoàng Kim Dũng cho biết: “Trong đợt mưa lũ từ 18/10 – 21/10, trại lợn bị ngập gần 1m, gia đình đã kịp sơ tán lợn lên trụ sở Trường THCS Phúc Thăng. Sau khi nước rút, tôi đã làm công tác vệ sinh khử khuẩn rồi mới đưa lợn về. Hơn 2 tuần nay, gia đình luôn thực hiện phun tiêu độc khử trùng phòng dịch nhưng vẫn bị. Tài sản của gia đình nằm ở đây cả, giờ thì mất trắng”.
Số lợn còn lại của ông Hoàng Kim Dũng (xã Nam Phúc Thăng) với 45 con cũng đã nhiễm bệnh.
112 con thì có 1 lợn nái, 20 con lợn thịt trên 60 kg, còn lại là từ 15 - 20 kg. Trong đó, số lợn từ 15 - 20 kg được gia đình ông Dũng mua ở Vũ Quang cách đây gần 2 tháng với giá con giống cao, 3.400.000 đồng/con. Thống kê, kiểm đếm số lượng, gia đình thiệt hại hơn 600 triệu đồng.
Ngay sau khi xuất hiện dịch tại gia đình ông Hoàng Kim Dũng, UBND xã Nam Phúc Thăng đã thành lập Ban Phòng chống DTLCP và các tổ tuyên truyền, chốt trạm kiểm dịch vận chuyển gia súc, cân đo và tiêu hủy gia súc bị dịch.
Xã Nam Phúc Thăng đã rắc hơn 2,5 tấn vôi bột để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã phối hợp với gia đình chôn lấp những con lợn bị chết. Đàn lợn còn 45 con đang có dấu hiệu bị bệnh nhưng theo quy định chưa thể chôn lấp. Xã cũng đã rắc hơn 2,5 tấn vôi, phun tiêu độc khử trùng 2,5 tấn hóa chất trên các tuyến đường trên địa bàn. Tại khu vực có dịch, UBND xã đã cắm 5 biển cảnh báo cấm mua bán, vận chuyển ở các trục đường.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng Hoàng Kim Túy cho hay: Năm ngoái, ở khu vực phía trên của xã bị DTLCP, địa phương tiến hành chôn lấp ở vùng đất cao ráo nhưng vừa rồi mưa lụt, toàn xã bị ngập hoàn toàn. Vi-rút ở những chỗ chôn lấp theo dòng nước lũ phát tán và dịch bùng phát trở lại là điều bất khả kháng. Hiện nay, tổng đàn lợn trên toàn xã khoảng 5.000 con, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái do người chăn nuôi đang tái đàn đón tết. Để bảo vệ đàn lợn cho bà con, địa phương đang gấp rút triển khai các giải pháp phòng dịch.
Xã Nam Phúc Thăng lập các biển cảnh báo khu vực có dịch tả lợn châu Phi ở các trục đường chính.
Ngay khi xuất hiện DTLCP tại xã Nam Phúc Thăng, ngày 9/11, UBND huyện Cẩm Xuyên đã ban hành công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống trên địa bàn.
Huyện cũng đã kịp thời cấp 5.000 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng ở các điểm: khu giết mổ tập trung, đường làng ngõ xóm, các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, Cẩm Xuyên cũng cấp 12 tấn hóa chất sát trùng Chlorine để xử lý nguồn nước ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, ao tù, cống rãnh.
Thị trấn Cẩm Xuyên phun tiêu độc khử trùng tại lò mổ để phòng dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên đang tập trung phòng DTLCP ở các xã có nguy cơ cao như: Cẩm Duệ, Cẩm Quang, Cẩm Thành, Cẩm Bình… Dự kiến, khi thời tiết bắt đầu nắng ráo, địa phương sẽ tập trung nguồn lực để phun tiêu độc khử trùng ở các xã này.
Bên cạnh đó, UBND huyện giao Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên tổ chức các lớp tập huấn để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Người dân xã Cẩm Bình thực hiện nghiêm các bước phòng dịch tả lợn châu Phi.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho biết: "Những ổ dịch ở các điểm chôn lấp chưa được một năm nên vi-rút chưa thể chết hết. Sau khi bị ngập nước, vi-rút từ đó phát tán theo dòng nước, không khí… và lây lan trên đàn lợn rất nhanh.
Không chỉ DTLCP, sau mưa lũ là điều kiện để các dịch trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát. Hiện nay, ngoài các biện pháp tuyên truyền, xử lý tiêu độc khử trùng, chúng tôi đang thành lập các tổ cơ động để kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn ra khỏi vùng có dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan".
Tin liên quan: