Xuất khẩu Hà Tĩnh hướng “đích” 1,2 tỷ USD

(Baohatinh.vn) - Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, từ đầu năm tới nay, ngành công thương Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trên địa bàn luôn nỗ lực duy trì hoạt động SXKD, quyết tâm đưa kim ngạch xuất khẩu đạt mục tiêu 1,2 tỷ USD trong năm 2020.

Thị trường tiêu thụ chậm - khó cho xuất khẩu

2019 được đánh giá là năm khó khăn cho hoạt động xuất khẩu khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Thế nhưng, với nỗ lực của các DN và sự đồng hành của các cấp, ngành, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh đạt 850 triệu USD, tăng 7,05% so với năm 2018.

Xuất khẩu Hà Tĩnh hướng “đích” 1,2 tỷ USD

Tàu vào “ăn hàng” tại cảng Vũng Áng.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và kim ngạch xuất khẩu nói riêng của Hà Tĩnh. Một số ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp như dăm gỗ, thủy hải sản, sợi, dệt may…

Nguyên do là thị trường các nước tiêu thụ sản phẩm chậm nên nhiều đơn hàng bị hủy, thời gian làm thủ tục xuất khẩu tại các cửa khẩu kéo dài và nguồn nguyên, nhiên liệu sản xuất thiếu hụt.

Xuất khẩu Hà Tĩnh hướng “đích” 1,2 tỷ USD

Thị trường tiêu thụ chậm khiến sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh giảm đến 80%.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Tĩnh, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 300,84 triệu USD, giảm 27,47% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu thép và phôi thép đạt 227,51 triệu USD; dăm gỗ 12,2 triệu USD; xơ, sợi dệt các loại 2,05 triệu USD; thủy sản 1,23 triệu USD; gạo, nếp 3,82 triệu USD…

Xuất khẩu Hà Tĩnh hướng “đích” 1,2 tỷ USD

May mặc là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Khắc Nam - Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết: “Đối với xuất khẩu thì yếu tố quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, gần 4 tháng qua, hoạt động xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng nặng nề do các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… nhu cầu rất ít. Điều này dẫn đến nhiều đơn hàng bị hủy, sản lượng hàng xuất khẩu công ty giảm đến 80%”.

Nỗ lực vượt khó để “cán đích” 1,2 tỷ USD

Với những tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ và hoạt động sản xuất trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 triệu USD trong năm 2020 là một thách thức lớn đối với ngành công thương cũng như các DN.

Xuất khẩu Hà Tĩnh hướng “đích” 1,2 tỷ USD

Xuất khẩu thép và phôi thép 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 227,51 triệu USD.

Xác định rõ nhiệm vụ từ nay đến cuối năm sẽ là những tháng “chạy đua thần tốc” để tăng trưởng giá trị xuất khẩu, ngành công thương và các DN xuất khẩu nỗ lực bám sát sản xuất và thị trường, kịp thời đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh Phạm Văn Túc cho biết: “Để vực dậy lĩnh vực xuất khẩu, công ty luôn theo sát thị trường Nhật Bản - thị trường tiêu thụ chính của DN. Khi dịch bệnh được khống chế, chúng tôi sẽ kết nối lại với các thị trường truyền thống và khai thác mở rộng thị trường mới. Về phía nhân lực, đội ngũ lao động của công ty luôn sẵn sàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất”.

Xuất khẩu Hà Tĩnh hướng “đích” 1,2 tỷ USD

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh sẽ kết nối lại với các thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới để tăng lượng hàng xuất khẩu.

Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, trước mắt, ngành công thương đồng hành hỗ trợ các DN trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, chủ động khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành để điều chỉnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tiếp cận thị trường mới để giảm lệ thuộc vào các thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Thời gian tới, cùng với các chính sách hỗ trợ DN được thông qua, dịch Covid-19 lắng xuống, thị trường xuất khẩu rộng mở sẽ tạo điều kiện cho các DN tiếp tục đẩy mạnh SXKD để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Gần 30 năm trên hành trình xây dựng và phát triển, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn đồng hành cùng cả nước đánh thức, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị, là động lực phát triển của 2 nước Việt - Lào.
Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu có trọng tải 40.000 tấn vào cảng số 3 Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhận hàng Kali của doanh nghiệp Lào xuất khẩu đi Nhật Bản. Các thành viên thủy thủ đoàn hài lòng vì cầu cảng đáp ứng các thông số kỹ thuật đề ra.
Nâng cao năng lực hoạt động của cảng quốc tế Lào - Việt Nam

Nâng cao năng lực hoạt động của Cảng quốc tế Lào - Việt

Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và việc đầu tư đồng bộ thiết bị xếp dỡ hàng hóa, các bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Vướng mặt bằng, nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ

Vì sao nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ?

Trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện có nhiều dự án xây dựng hạ tầng được triển khai nhưng một số công trình chậm tiến độ. Hãy đi tìm câu hỏi vì sao xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch đã đề ra.