Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2020, huyện Hương Sơn đã ban hành chính sách hỗ trợ 600 triệu đồng cho 4 xã xây dựng mô hình nuôi ong đạt chuẩn VietGAP, gắn với sản phẩm OCOP.
Theo đó, người dân các xã Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 và Quang Diệm được hỗ trợ 800 đàn ong giống, mỗi xã 200 đàn ong, trị giá 200 triệu đồng (người dân đối ứng 50%).
Trước đó, các xã đã liên kết với HTX Mật ong Cường Nga tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong nội địa nâng cao. Trong đó, quản lý đàn ong theo mùa vụ, chống nóng cho đàn ong, phòng ngừa các loại bệnh trên đàn ong và kỹ thuật tạo ong chúa... Ngoài ra, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho các hộ dân thực hành với các dụng cụ nuôi ong đúng cách trong khai thác mật để mang lại hiệu quả cao.
Hiện tại, đàn ong giống đã được phân bổ về cho 60 hộ dân tại các địa phương trên để triển khai thực hiện mô hình nuôi ong đạt chuẩn VietGAP, gắn với sản phẩm OCOP của địa phương. Việc áp dụng đúng quy trình nuôi ong lấy mật đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp người nuôi ong giảm chi phí mua thức ăn bổ sung, chi phí sử dụng thuốc thú y, giảm tỷ lệ ong bốc bay làm tăng sản lượng mật và mật ong đảm bảo chất lượng.
Theo ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, mật ong Hương Sơn được xem là sản phẩm chủ lực của huyện. Chính sách hỗ trợ trên nhằm khuyến khích người nuôi ong trên dịa bàn áp dụng theo quy trình VietGAP, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP tại các địa phương để từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng, khẳng định thương hiệu mật ong Hương Sơn, tạo thị trường ổn định.