Ân tình người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - GS. Đặng Thai Mai nhận xét về con người Nghệ Tĩnh: “can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, cương quyết đến khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ”. GS Vũ Ngọc Khánh chỉ ra 3 đặc điểm: “một kẻ bình dân khố chạc (chỉ những người khổ cực); một con người chữ nghĩa văn chương; một chiến sĩ tiền phong cách mạng”. Qua bao lớp sóng thời gian, văn hóa, con người Hà Tĩnh ngày càng được bồi đắp, tỏa sáng.

PGS. Hoàng Trọng Canh: Tiếng nói - ngôn ngữ cũng là tính cách con người Hà Tĩnh

Ngôn ngữ và văn hóa vùng Nghệ Tĩnh từ xa xưa đã là một vùng ngôn ngữ - văn hóa chung thống nhất - Xứ Nghệ. Ngôn ngữ, giọng điệu cũng chính là sự phản ánh tính cách con người bản xứ.

Về ngôn ngữ, tiếng địa phương Nghệ Tĩnh (thuộc vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ) cùng với tiếng Quảng Bình, là phương ngữ điển hình nhất mang tính chất cổ của tiếng Việt. Phương ngữ Nghệ Tĩnh có nhiều thổ ngữ, giữa các thổ ngữ có những khác biệt nhất định về ngôn ngữ; trong đó, nhiều thổ ngữ vùng Hà Tĩnh có những khác biệt khá đặc biệt so với các thổ ngữ ở vùng Nghệ An.

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, dải phương ngữ từ Nghệ Tĩnh đến Quảng Bình là cổ nhất của tiếng Việt thì trong phương ngữ Nghệ Tĩnh, các thổ ngữ vùng Hà Tĩnh lại lưu giữ nhiều yếu tố nhất. Sở dĩ như vậy vì Hà Tĩnh là một trong các vùng cư dân cổ của người Việt; nhiều thế kỷ là vùng biên viễn, miền đất cuối cùng của quốc gia Đại Việt (Quảng Bình trở vào là đất Chiêm Thành); sự giao lưu tiếp xúc với vùng ngoài hạn chế nên tiếng nói ít thay đổi hoặc thay đổi chậm.

Tiêu biểu nhất cho đặc điểm này là tiếng nói của các địa phương như Cương Gián (Nghi Xuân); Đức An, Đức Dũng (nay là An Dũng), Đức Lập (Đức Thọ); một số xã ở Cẩm Xuyên… Chẳng hạn, trong tiếng Việt, hiện nay, trong khi các vùng khác trong nước phát âm nh thì thổ ngữ Cương Gián vẫn giữ cách phát âm cổ j. Ví dụ (cái) nhà phát âm là (cái) jà, nhớp phát âm là jớp, nhỏ phát âm là jỏ, nhọc phát âm là jọc… Người có tuổi ở Đức An, Đức Lập, Đức Dũng còn lưu giữ phát âm âm đầu cổ của tiếng Việt là phụ âm kép tl (như tiếng Việt thế kỷ XVII về trước): tlặc (trặc), tlợt (trợt), tlu (tru), tle (tre), tlù (trù)… và tổ hợp [dz]: dza (da), dzam (dam), dzao (dao), dzóc (dóc)… Cư dân một số xã như Cương Gián, Thịnh Lộc, Ích Hậu, Tân Lộc nay vẫn giữ cách phát âm cổ tổ hợp âm đầu [bj] của tiếng Việt thế kỷ XVII về trước; hiện nay, âm này được các vùng phát âm là [v]. Ví dụ: bjéo - véo, bjải - vải, bjấp - vấp… Vùng Hương Sơn, từ xưng hô ông phát âm thành ung và hay dùng đại từ nghỉ thay cho hắn, nó. Nếu ở Nghệ Tĩnh, các vùng phổ biến dùng từ địa phương me (bê) thì thổ ngữ Nghi Xuân lại dùng từ ọe, các vùng gọi con rắn thì người Hương Sơn gọi là con tắn, sào gọi thành trào, sông thành song…

Ngày xuân, mạn đàm đôi dòng về một vùng ngôn ngữ - văn hóa Hà Tĩnh. Chợt nhớ câu thơ của Phạm Tiến Duật “Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để”. Tiếng nói - ngôn ngữ - cũng là tính cách con người của vùng quê này: thâm trầm, mộc mạc, hồn nhiên và sâu nặng ân tình.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Chất quê

Chỉ những ai xa quê mới thấm hết cái tình quê trong ân nghĩa đồng hương, nhận ra cái chất quê trong quan hệ thân thiết, ruột rà, say cái hồn quê trong mỗi lần hội ngộ. Người Hà Tĩnh có mặt khắp mọi miền đất nước, do hoàn cảnh công tác hay mưu sinh kiếm sống. Rất dễ nhận ra nhau qua giọng nói, tính cách, dễ gần gũi nhau trong giao tiếp, ứng xử. Mộc mạc mà hào hoa; cởi mở mà sâu lắng; trầm tĩnh mà nhiệt huyết; chịu đựng khó khăn, gian khổ mà quyết liệt, bản lĩnh trước sóng gió cuộc đời; tằn tiện mà không hà tiện; dám dấn thân mà không liều lĩnh; thẳng thắn mà không ngang ngược; rất kỷ luật nhưng không dễ bị o ép phục tùng; nhân ái, ân tình, sống có trách nhiệm và thủy chung sau trước. Đã thành bạn bè là sống chết có nhau. Đã thành đồng hương là chia sẻ ngọt bùi… Đó là những nét đặc trưng của con người Hà Tĩnh.

Cái chất Hà Tĩnh rất khó bị nhạt phai, cho dù có xa quê quá nửa cuộc đời. Tôi cứ tự hỏi, cái gì làm nên chất quê tôi? Nước sông La, sông Nghèn, sông Rào Cái hay nắng gió Ngàn Hống, Hoành Sơn? Nhiều khi nghe người ngoài tỉnh nhận xét về người quê mình mà mát lòng, mát dạ. Tôi chơi nhiều với các anh em bạn bè văn nghệ sĩ. Họ nói rất thật lòng: “Cái đất Hà Tĩnh nhà ông mến khách, mến người. Chả phải họ cho mình cái gì đâu, chỉ là cách giao tiếp, ứng xử, sao mà chân tình, nồng hậu, ấm áp thế”. Nhiều nhạc sĩ chưa viết được bài hát nào tâm đắc về quê mình nhưng lại viết rất hay về Hà Tĩnh. Phải chăng là nhờ cái chất men Hà Tĩnh, ân tình Hà Tĩnh, thảo thơm ngọt ngào của tính cách xứ Lam - Hồng… cứ như rượu nồng ngấm vào huyết quản tự bao giờ để người nghệ sĩ thăng hoa cất thành giai điệu.

Tất nhiên, không phải người Hà Tĩnh nào cũng hội đủ những tố chất, đức tính quý báu trên đây. Cũng có những người thế này thế khác. Nhưng đó chỉ là số ít. Không thể pha loãng những chất quê, tính cách quê, khí chất quê Hà Tĩnh - niềm tự hào của tất cả chúng ta.

Ông Đặng Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội: Có một Hà Tĩnh ở ngoài Hà Tĩnh luôn hướng về quê hương

Chúng tôi thường nói với nhau rằng, luôn có một Hà Tĩnh ở ngoài Hà Tĩnh. Đó là những người con Hà Tĩnh ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài luôn một lòng hướng về quê hương. Những lúc quê nhà phải gánh chịu khó khăn, hoạn nạn thì những người con Hà Tĩnh xa quê nói chung và người Hà Tĩnh ở Hà Nội nói riêng luôn luôn chia sẻ, động viên bằng cả tinh thần và vật chất. Đó là những chắt chiu, dành dụm bằng tất cả tấm lòng. Gần đây nhất, trong đợt lũ lịch sử tháng 10/2020, khi nghe thông tin bà con quê hương bị ảnh hưởng, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội đã phát động kêu gọi ủng hộ. Chỉ trong 2 ngày, chúng tôi đã kêu gọi được 1,7 tỷ đồng tiền mặt và 200 suất quà là các nhu yếu phẩm nhằm giúp chính quyền và bà con quê mình khắc phục phần nào khó khăn.

Không chỉ lúc hoạn nạn, cả khi thuận lợi, con em xa quê cũng luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà bằng những ý kiến góp ý tư vấn, phản biện. Nhạc sỹ An Thuyên từng viết: “Dân tôi ngàn năm khó nhọc mà sống chắt chiu câu nghĩa tình”. Bởi vậy, dẫu đi đâu, làm gì, quê hương vẫn mãi trong tim mỗi người con xa quê chúng tôi.

Chị Ma Thị Thao - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang: Trong gian khó, bà con Hà Tĩnh càng kiên cường

Mặc dù là người Tuyên Quang nhưng tôi rất yêu thích lịch sử, văn hóa và con người Hà Tĩnh. Trong đợt lũ tháng 10/2020, khi vào chia sẻ với bà con Hà Tĩnh, tôi càng thêm yêu quý, kính trọng người dân nơi đây. Thời điểm đó, khi nghe tin về mưa lũ ở miền Trung, đoàn công tác của chúng tôi mang theo tấm lòng, tình cảm và những món quà của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đội viên ở Tuyên Quang đến chia sẻ phần nào với khó khăn của người dân vùng lũ Hà Tĩnh. Mặc dù chỉ lưu lại một buổi chiều, thế nhưng, chừng đó thời gian đã giúp tôi cảm nhận được tình cảm nồng ấm của bà con nơi đây.

Đặc biệt, trong gian khó càng bộc lộ bản tính siêng năng, chịu thương chịu khó và tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của bà con Hà Tĩnh. Bà con biết dựa vào nhau, san sẻ yêu thương, kiên cường vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Đây thực sự là một chuyến đi ý nghĩa, ấm áp và mang đến cho chúng tôi bài học quý giá về tinh thần cố kết cộng đồng, chia bùi sẻ ngọt của bà con Hà Tĩnh, càng thấm thía câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Vilaisith Yai - sinh viên Lào, lớp K10, Trường Đại học Hà Tĩnh: Ký ức đẹp đẽ khi cách ly phòng dịch Covid-19

Là lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Hà Tĩnh 4 năm nay, những năm trước, tôi thường về nước vào dịp nghỉ hè và tết. Giữa tháng 3/2020, trước khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, tôi về nước và trở lại trường học vào tháng 6. Trong lần trở lại này, tôi phải thực hiện cách ly xã hội theo quy định. Sau hành trình dài di chuyển bằng ô tô từ Thủ đô Vientiane (Lào) về khu cách ly tại Trường Đại học Hà Tĩnh, cảm giác mệt mỏi hoàn toàn tan biến khi trước mắt tôi là cả khu ký túc đầy đủ tiện nghi với nhiều biện pháp phòng dịch an toàn. Tôi đã nhận được sự quan tâm, động viên rất ấm áp của những cán bộ, tình nguyện viên tại đây. Bởi vậy, 16 ngày cách ly không hề nhàm chán mà trôi qua rất nhanh. Các anh, chị, cô, chú làm việc ở khu cách ly thường xuyên hỏi han rất ân cần. Mỗi bữa nếu thấy tôi ăn không hết khẩu phần, mọi người thường hỏi hôm nay có mệt gì không? Đồ ăn có hợp khẩu vị không? Có nhu cầu gì thêm không?...”.

Không chỉ có thế, những ngày ở khu cách ly, thầy cô và các bạn Việt Nam luôn nhắn tin hỏi thăm, chia sẻ, động viên tinh thần khiến tôi cảm thấy không hề cô đơn. “Chỉ còn một tuần nữa thôi là được quay trở lại giảng đường rồi, thầy và cả lớp chờ em!”, “Cố lên Vilaisith Yai nhé!”, “Nhanh nhanh còn đi đá bóng cậu ơi!”… những tin nhắn này tôi vẫn luôn lưu giữ như một phần ký ức đẹp đẽ.

Chỉ còn năm học này nữa thôi là tôi trở về quê hương. Và những tháng ngày ở Hà Tĩnh, đặc biệt là 16 ngày trong khu cách ly mãi mãi là một phần ký ức đẹp đẽ của tôi về mảnh đất và con người Hà Tĩnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói