Bàn giao lưới điện do tư nhân quản lý: "Không dệ mô"!

(Baohatinh.vn) - Với hình thức tư nhân quản lý, người sử dụng điện ở Hà Tĩnh phải đảm nhận hai vai: vừa là khách hàng vừa là chủ quản sửa chữa các công trình điện lưới hạ thế. Phải gánh thêm nhiều khoản chi phí, những khách hàng này đang "sốt ruột" muốn bàn giao lại cho ngành điện quản lý.

Bàn giao lưới điện do tư nhân quản lý: “Không dệ mô”!

Các xã viên HTX nuôi trồng thủy sản Phúc Lộc (Thạch Khê - Thạch Hà) muốn bàn giao trạm biến áp cho ngành điện quản lý, vận hành

Trạm biến áp và đường dây hạ áp phục vụ khu nuôi trồng thủy sản Phúc Lộc, xã Thạch Khê (Thạch Hà) được đầu tư, xây dựng năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 700 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 250 triệu đồng, số còn lại do các hộ nuôi trồng thủy sản tại đây đóng góp.

Theo ông Lưu Thăng Long - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phúc Lộc, dù chưa xẩy ra biến cố lớn nhưng từ khi đưa vào vận hành đến nay, các hộ dân ở đây phải đóng thêm khoản để duy tu, bảo dưỡng và sữa chữa các hư hỏng nhỏ. Ngoài ra, do các thành viên HTX không có chuyên môn kỹ thuật để vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện hạ áp nên quá trình sử dụng cũng phát sinh nhiều sai sót ngoài ý muốn.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là được bàn giao toàn bộ công trình về ngành điện quản lý. Chúng tôi không hề đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, chỉ cần phía điện lực đồng ý là sẽ bàn giao nguyên trạng công trình cho ngành điện” - ông Long nói.

Đồng quan điểm với các hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê Dương Đình Tiến khẳng định, mong muốn chuyển công trình hạ áp và hệ thống đường dây dẫn tại khu vực nuôi trồng thủy sản Phúc Sơn về ngành điện lực quản lý phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn. Tuy vậy, chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần đề xuất nhưng phía điện lực vẫn chưa tiếp quản.

Bàn giao lưới điện do tư nhân quản lý: “Không dệ mô”!

Trạm biến áp của 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Hà vừa được đầu tư xây dựng cũng mong muốn bàn giao cho ngành điện quản lý

Cùng chung mong muốn được bàn giao nguyên trạng toàn bộ các công trình điện lưới hạ áp do doanh nghiệp tự bỏ chi phí đầu tư, ông Trần Văn Viết - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viết Hải cho biết, đến nay, đơn vị đã đầu tư 7 máy biến áp và hệ thống đường dây hạ áp vào các khu sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Ngoài việc hàng tháng phải chi trả từ 400 - 500 triệu đồng tiền điện theo chỉ số tiêu dùng, hàng tháng, doanh nghiệp còn phải trích một khoản đầu tư khá lớn vào việc duy tu, bảo dưỡng và thay thế các hạng mục bị hư hỏng.

“Mặc dù doanh nghiệp đầu tư khoản kinh phí khá lớn lắp đặt máy biến áp, nhưng qua thực tiễn sử dụng, chúng tôi thấy để ngành điện quản lý, vận hành các trạm biến áp là phù hợp. Chúng tôi cũng muốn được như bao khách hàng dùng điện khác, chỉ tính tiền điện sau công tơ, còn trước công tơ là phải ngành điện quản lý và chịu trách nhiệm” – ông Trần Văn Viết bày tỏ.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 921 trạm/934 máy biến áp từ 31,5 KVA đến 2.000 KVA do khách hàng tự bỏ tiền đầu tư và chịu mọi chi phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, HTX mà chúng tôi tiếp cận đều bày tỏ mong muốn được ngành điện tiếp nhận và chịu trách nhiệm quản lý, vận hành các trạm biến áp mà họ đã từng bỏ tiền đầu tư.

Trước những kiến nghị, đề xuất của khách hàng sử dụng điện, Giám đốc Điện lực Thạch Hà Lê Thanh Hoa cho biết, mong muốn bàn giao các công trình điện hạ áp của khách hàng là chính đáng. Song, đến thời điểm hiện nay, ngành điện vẫn chưa nhận chủ trương tiếp nhận các công trình điện được đầu tư bằng vốn của người dân, doanh nghiệp nên Điện lực Thạch Hà không có cở sở để xử lý các kiến nghị của khách hàng.

Bàn giao lưới điện do tư nhân quản lý: “Không dệ mô”!

Công nhân Công ty Điện lực Hà Tĩnh cải tạo, nâng cấp lưới điện

Lý giải nguyên nhân vì sao nhiều công trình điện lưới hạ áp là tài sản của khách hàng và muốn bàn giao cho ngành điện nhưng chưa được nhận, Phó Phòng Kinh doanh - Công ty Điện lực Hà Tĩnh Cao Tất Kiên cho biết, hiện nay, Chính phủ mới chỉ có quyết định chuyển các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước sang cho ngành điện quản lý. Đối với các công trình điện được đầu tư, xây dựng bằng các nguồn vốn khác chưa có chủ trương bàn giao, tiếp nhận. Vì vậy, ngành điện không có cơ sở pháp lý để thực hiện các trình tự, thủ tục bàn giao.

"Trước mắt, Điện lực Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kiểm tra định kỳ công tác đảm bảo an toàn và thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng khi có yêu cầu của chủ đầu tư", ông Kiên nói thêm.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.