Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

(Baohatinh.vn) - Từ vườn rau cho thu nhập bấp bênh, ông Nguyễn Viết Xuân (SN 1972, ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đưa cây mai vàng trên núi về trồng tại vườn. Đến nay, gần 1.500 gốc mai đã cho thu nhập khá cao.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Ông Nguyễn Viết Xuân đã có hơn 20 năm làm nghề trồng mai tại vùng đất Kỳ Nam.

Được biết đến là người trồng mai nổi tiếng trong vùng với hơn 20 năm làm nghề nhưng ông Nguyễn Viết Xuân đã phải trải qua không ít khó khăn khi theo nghề trồng rau.

Ông Xuân cho biết, trước đây cây hoa mai mọc dại khá nhiều tại mảnh vườn trống của gia đình. Đến năm 1994, khi chuyển đến xây nhà ở trên mảnh đất đó thì ông đã chặt bỏ phần lớn cây hoa mai, chỉ trừ lại những gốc mai cổ thụ, phần đất còn lại trong vườn được ông dùng để trồng rau màu.

Tuy nhiên, sau thời gian trồng rau màu không đem lại hiệu quả khiến kinh tế gia đình ông bị ảnh hưởng, mức thu nhập bấp bênh. Vì thế, ông Xuân nghĩ về hướng phát triển kinh tế từ cây mai vàng.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Cây mai cảnh có giá trị gần 30 triệu đồng tại vườn của ông Xuân.

Nói về cơ duyên với nghề trồng mai, ông Xuân cho biết: “Đầu năm 2000, sau khi thất bại với việc trồng rau màu, tôi mới nhận thấy cây hoa mai của vùng đất Kỳ Nam đang dần được nhiều người ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, nguồn cây giống lại có sẵn ở địa phương nhưng mỗi dịp tết người dân chỉ lên núi chặt mai về để trang trí trong nhà chứ chưa ai nghĩ đến việc trồng để bán”.

Nghĩ là làm, ông Xuân đã mạnh dạn cải tạo lại 700 m2 vườn nhà để đầu tư phát triển mô hình trồng cây hoa mai. Sau đó, để có được giống cây, ông Xuân vừa đi lên núi đào cây về trồng trong vườn, vừa lấy hạt từ cây mai cổ thụ của gia đình để ươm giống.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Gây dựng vườn mai từ những hạt giống, đến nay “gia tài” của ông Xuân đã có hơn 1.500 gốc mai.

Năm 2002, khi theo nghề trồng mai được 2 năm, ông Xuân đã mua thêm 1.500 m2 đất đồi của xã cách vườn nhà ông Xuân khoảng 3 km để mở rộng diện tích.

Do chưa có kinh nghiệm trồng mai nên ông Xuân đã nhiều lần thua lỗ. Đã có những mùa tết, vườn mai của ông Xuân thất thu vì hoa không nở đúng dịp do các đợt mưa lớn, rét đậm, rét hại. Đặc biệt, trận bão lớn năm 2007 đã khiến vườn mai chịu ảnh hưởng nặng nề, ông Xuân phải mất gần 1 năm để khôi phục lại.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Số lượng gốc mai tại vườn của ông Xuân tăng đều hằng năm, đưa lại thu nhập cao cho gia đình.

Dù vậy, ông Xuân vẫn không nản chí mà tiếp tục ươm giống và trồng lại diện tích mai bị chết. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, vườn mai gia đình ông phát triển rất tốt, số gốc tăng đều hằng năm.

Qua hơn 20 năm trồng mai, ông Xuân đã gây dựng được vườn mai cảnh có giá trị lớn. Từ số lượng 30 gốc mai vào những ngày đầu khởi nghiệp, đến nay, “gia tài” của ông đã có gần 1.500 gốc mai. Mỗi mùa tết đến, gia đình ông Xuân đều có vài trăm gốc mai để bán.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Thời điểm này trong năm, ông Xuân luôn tất bật với việc chăm mai.

Ông Xuân cho biết: “Mỗi cây mai có giá trị thấp nhất là 1 triệu đồng, đặc biệt một số cây có giá hàng chục triệu đồng. Nhờ thế mà mỗi năm, gia đình tôi có doanh thu từ 600 - 700 triệu đồng từ việc bán mai cảnh. Đến mùa tết, tôi cũng không phải đưa mai đi bán mà khách hàng và thương lái đến tận nhà để tìm mua”.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Chính lòng yêu nghề, yêu cây đã giúp ông Xuân vượt qua nhiều khó khăn của thiên nhiên để tiếp tục gắn bó với nghề trồng mai.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mai, ông Xuân cho hay, nghề trồng mai bên cạnh sự chuyên cần, chăm chỉ thì cần có lòng yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài. Bởi, chỉ khi thực sự yêu nghề thì dù có những khó khăn, thử thách của thiên nhiên ông vẫn bám trụ, dồn thêm nhiều tâm huyết với cây mai để đi đến thành công.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Vườn mai của vợ chồng ông Xuân được nhiều đơn vị, người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Cũng theo ông Xuân, để cây mai sống và phát triển ổn định, cho hoa đúng vào ngày tết thì khâu chăm sóc đặc biệt quan trọng. Vào mùa nắng cần tưới nước 2 lần/ngày, nếu phát hiện sâu bệnh hại thì phải chọn thuốc phun trừ kịp thời và tiến hành cắt tỉa.

Để có được thành quả như hiện tại, mỗi ngày, ông Xuân và con trai đều đặn lên vườn mai trên đồi để chăm cây, vợ ông Xuân đảm nhận chăm mai tại vườn nhà. Toàn bộ vườn mai đều được gia đình bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc vi sinh để giúp cây khỏe mạnh, sống bền.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Kế nghiệp từ gia đình, con trai ông Xuân là anh Nguyễn Tiến Thành (SN 1994) cũng chọn nghề trồng mai để phát triển kinh tế gia đình.

“Từ ngày theo nghề trồng mai, gia đình tôi từ một hộ nghèo nay đã có cuộc sống ổn định hơn với mức thu nhập khá. Cũng nhờ đó, tôi có điều kiện xây dựng lại nhà cửa khang trang hơn, mua sắm nhiều vật dụng giá trị. Tôi cũng yên tâm gắn bó với cây mai và biết bản thân đã chọn đường khởi nghiệp đúng đắn, con tôi cũng ở lại quê hương phát triển nghề của gia đình” - ông Xuân chia sẻ thêm.

Biến vườn rau thành vườn mai, nông dân Hà Tĩnh có thu nhập khá

Nhờ cây mai vàng mà ông Xuân đã thoát nghèo, xây dựng lại nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều vật dụng giá trị.

Ông Bùi Văn Chuổng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Với giá trị kinh tế cao, nghề trồng mai đã đem lại cho gia đình ông Xuân thu nhập khá cao. Năm 2020, vườn mai của gia đình ông Xuân cũng được xã công nhận là vườn mẫu. Là một trong những người tiên phong trồng mai tại địa phương, ông Xuân đã góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho vùng đất được coi là “ống gió, chảo lửa, túi mưa”, đem lại thu nhập khá cho người dân và sự đổi thay lớn ở xã biển Kỳ Nam”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.