Khu vực trồng cà dừa trên cánh đồng trại Mai ở thôn Sơn Phú - xã Thượng Lộc những ngày này đã bắt đầu tấp nập. Những lứa cà đầu tiên tỉa bán được thương lái đón mua ngay tại chân ruộng với giá từ 20 - 25.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5 - 8.000/kg. Niềm vui hiện hữu trên từng gương mặt người dân.
Cà dừa Thượng Lộc bắt đầu vào mùa thu hoạch.
Bà Phan Thị Lục - người dân thôn Sơn Phú chia sẻ: “Ảnh hưởng của đợt lạnh kéo dài trước tết Nguyên đán khiến cà dừa ra hoa muộn, mùa thu hoạch cà năm nay ở Thượng Lộc cũng bắt đầu muộn hơn so với những năm trước nhưng bù lại giá cả đầu mùa khá cao, đầu ra ổn định nên ngay sau tết chúng tôi đã có nguồn thu đáng kể”.
Thời tiết ấm áp những ngày sau tết là điều kiện thuận lợi cho cây cà ra hoa, kết trái.
Là một trong những hộ trồng cà “mát tay” nhất tại thôn Sơn Phú, năm nay, chị Trần Thị Lương cũng đang bước vào một mùa thu hoạch với những niềm vui mới. “Trong tết cà mới ra quả bói nên cũng chỉ đủ để gia đình sử dụng và làm quà biếu cho anh em, họ hàng. Từ sau tết đến nay, tôi mới bắt đầu bán tỉa. Năm nay, giá cà đầu mùa cao hơn năm ngoái, nên qua 3 đợt bán, tôi đã có nguồn thu hơn 3 triệu đồng”, chị Lương cho hay.
Cà dừa đầu mùa được giá, nông dân Thượng Lộc có thêm nguồn thu nhập ngay từ đầu năm.
Cà Thượng Lộc được trồng từ tháng 10 và bắt đầu thu hoạch từ sau tết, kết thúc thời vụ vào cuối tháng 3 âm lịch. Theo người dân Thượng Lộc, năm nay đầu vụ thời tiết nắng ấm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con làm đất, xuống giống và chăm sóc.
Giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, thời tiết lại se lạnh nên cây phát triển tốt hơn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả nhiều hơn. Dự kiến, năm nay mỗi sào cà sẽ cho thu nhập từ 8 đến trên 10 triệu đồng, cao hơn gấp 4-5 lần so với trồng lúa.
Qua 3 đợt thu hoạch tỉa, chị Lương đã có nguồn thu hơn 3 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Sơn Phú cho biết: “Nhà tôi có gần 2 sào cà và đây lại là nguồn thu nhập chính. Mọi khoản chi tiêu sau tết, việc học của con cái cũng nhờ cả vào ruộng cà. Chính vì thế, dù quá trình chăm sóc khá vất vả, đặc biệt là phải thường xuyên tưới nước cho cây từ lúc bén rễ đến giai đoạn thu hoạch nhưng chúng tôi cảm thấy có động lực bởi sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đó. Năm nay, những ngày sau tết thời tiết nắng ấm nên cây phát triển tốt, hoa nở nhiều, tôi cũng đang hy vọng sẽ có thêm một mùa bội thu”.
Cà dừa được thương lái mua tận chân ruộng.
Cà dừa bắt đầu “bén duyên” trên đất Thượng Lộc từ năm 2012 với diện tích ban đầu là 2 ha. Qua quá trình sản xuất, giống cây này thích ứng tốt với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương, năng suất, chất lượng cao, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, nên người dân đã mở rộng diện tích tại 10/10 thôn. Đến nay, toàn xã có 12 ha cà dừa, trong đó, vùng sản xuất tập trung ở thôn Sơn Phú khoảng 5 ha.
Thời gian thu hoạch kéo dài từ nay đến tháng 3 âm lịch.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Hải cho biết: “Để sản xuất cà phát triển theo hướng tập trung hàng hóa, nâng cao thu nhập, xã Thượng Lộc cũng đã hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình sản xuất”.
Từ lợi ích của cây cà dừa, ngoài việc nỗ lực duy trì sản xuất của bà con, thời gian tới, xã Thượng Lộc cũng sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGap và hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.