Khi vụ lúa xuân bắt đầu bước vào cao điểm thu hoạch là lúc ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng bước vào vụ hè thu cận kề. Nước tưới là vấn đề được quan tâm nhất trong vụ sản xuất nhiều khó khăn này.
Kẻ Gỗ hiện thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 14.000 ha lúa thuộc thành phố Hà Tĩnh và các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Thời điểm này ở nhiều năm, công trình này đã rơi vào tình trạng thiếu nước, gây khó khăn cho quá trình vận hành và tưới tiêu vùng hạ du.
Năm nay, đến đầu tháng 5, mực nước tại hồ Kẻ Gỗ vẫn đảm bảo, đạt 27,6/32,5 m (dung tích 216 triệu m3, đạt 62,6% dung tích thiết kế của hồ chứa).
Không chỉ Kẻ Gỗ mà hiện nay mực nước của các hồ chứa quy mô lớn do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đều đạt khá. Cụ thể như: hồ Sông Rác mực nước hiện đạt 20,48/23,2 m, dung tích 82,65 triệu m3 (đạt 66,4% thiết kế); hồ Thượng Tuy đạt 22,23/24,5m, dung tích 13,99 triệu m3 (đạt 74% thiết kế)…
Ông Hồ Đức Việt – Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị hiện quản lý 33 hồ chứa và 4 đập dâng trên địa bàn 6 huyện, thị, thành phố. Qua theo dõi hiện nay cơ bản mực nước các hồ chứa đều đạt khá, từ 50 – trên 70% dung tích thiết kế. Đây là điều kiện thuận lợi để phục vụ sản xuất vụ hè thu với diện tích gần 21.000 ha lúa. Theo kế hoạch, từ ngày 22-25/5 công ty sẽ triển khai mở nước tưới phục vụ quá trình làm đất sản xuất lúa hè thu”.
Dự báo vụ mùa hè năm nay thời tiết trên địa bàn Hà Tĩnh nắng nóng, hạn hán gay gắt nên trong vụ xuân 2024, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã chủ động duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, nạo vét hồ đập; ra quân làm thủy lợi nội đồng để tránh thất thoát nguồn nước...
“Mặc dù nguồn nước tại các hồ chứa đến nay vẫn đạt khá, tuy nhiên, những khu vực cao cưỡng, cuối kênh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quá trình tưới tiêu sản xuất lúa hè thu, xảy ra hạn hán cục bộ. Bởi vậy, đề nghị các địa phương chỉ đạo bà con tiếp tục ra quân làm thủy lợi nội đồng, không vứt rác thải vào công trình thủy lợi làm ách tắc dòng chảy; tiến hành đắp bờ vùng, bờ thửa; tổ chức gieo cấy đồng bộ; kiện toàn lại các hợp tác xã, tổ hợp tác phục vụ điều tiết nước tưới để có kế hoạch nhận nước, dẫn nước vào ruộng cho bà con. Các địa phương đầu nguồn nước, thuận lợi trong tưới tiêu cần chia sẻ nguồn nước cho những khu vực cuối nguồn, khó tưới để đảm bảo cho vụ hè thu thắng lợi"- ông Hồ Đức Việt lưu ý.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đang quản lý, vận hành 26 hồ chứa, 2 đập dâng, 10 cống ngăn mặn giữ ngọt tại 7 huyện, thị phía Bắc Hà Tĩnh. Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay, công ty phục vụ tưới cho hơn 21.000 ha lúa.
Ông Phạm Thành Nam – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho hay: “Mực nước các hồ chứa hiện đạt từ 55 – 95% dung tích thiết kế. Trong đó những hồ quy mô lớn như: hồ Cửa Thờ Trại Tiểu đạt 86,4% dung tích thiết kế, hồ Cù Lây Trường Lão đạt 85,6%, hồ Đá Bạc đạt 74,2%… Thời gian qua, công ty đã chủ động lên kế hoạch và triển khai sửa chữa, tu bổ, nạo vét các công trình thủy lợi; phối hợp với các địa phương hưởng lợi tập trung tu bổ, sửa chữa, nạo vét kịp thời hệ thống kênh, mương chủ động kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2024. Theo kế hoạch, từ ngày 20 - 25/5, công ty sẽ bắt đầu mở nước phục vụ tưới sản xuất vụ lúa hè thu”.
Toàn tỉnh có 348 hồ chứa, 86 đập dâng. Hiện nay các hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 70% dung tích thiết kế và cao hơn cùng kỳ năm 2023; các hồ chứa vừa và nhỏ có dung tích đạt phổ biến từ 50 – 90% dung tích thiết kế và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Công Tâm, Trưởng phòng Quản lý Công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh) cho biết: "Theo kết quả cân đối nguồn nước, dự kiến vụ hè thu năm 2024 các hệ thống thủy lợi cơ bản cấp đủ nước tưới cho trên 44.000 ha lúa thuộc khu tưới của các công trình thủy lợi đảm nhận. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi (nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, lượng mưa thấp) thì cần phải tập trung chống hạn cho khoảng 1.000 ha lúa thuộc vùng cuối kênh, cao cưỡng, tập trung chủ yếu ở khu tưới của các công trình: Đập dâng Sông Tiêm, Khe Táy, Mộc Hương, hồ Đồng Hố và một số trạm bơm địa phương…"
Cũng theo ông Nguyễn Công Tâm, để đảm bảo vụ hè thu thắng lợi, các công ty thủy lợi, địa phương, đơn vị liên quan cần tổ chức kiểm tra, sửa chữa hệ thống cánh cửa cống hồ chứa nước bị hư hỏng, rò rỉ gây thất thoát nước; thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, thiết bị máy móc, đường dây tải điện kịp thời để các trạm bơm điện đảm bảo hoạt động bơm nước phục vụ sản xuất; kiểm tra, kịp thời sửa chữa các cửa cống ngăn mặn, giữ ngọt để phòng, chống xâm nhập mặn.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình thủy lợi; có kế hoạch đắp bờ giữ nước tại chân ruộng; tổ chức khảo sát, đánh giá những trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch có thể đắp tạm nhằm giữ nước mưa đầu vụ hè thu và lượng nước hồi quy để bà con bơm tát, chống hạn; tổ chức nạo vét, kiên cố hóa kênh mương, tu bổ, sửa chữa các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới…; lập kế hoạch bổ sung lắp đặt máy bơm dã chiến, lập phương án chuyển nước tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết để chống hạn…