Chiều 18/7, UBND huyện Can Lộc tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU ngày 20/8/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đề án 2553/ĐA-UBND ngày 13/8/2020 của UBND huyện về tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp; sơ kết sản xuất hè thu 2022. |
Toàn cảnh hội nghị.
Sau 2 năm triển khai (2020 và 2021), đề án tập trung, tích tụ, chuyển đổi ruộng đất ở Can Lộc đã dần khẳng định được hiệu quả, tính thiết thực, gắn với thực tiễn sản xuất.
Toàn bộ 18 xã, thị trấn đã thực hiện tập trung ruộng đất với tổng diện tích là 2.228,63 ha, chiếm khoảng 24% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Số ô thửa trong vùng giảm so với trước khi thực hiện đề án là 12.222 thửa, toàn huyện xây dựng được 82 mô hình cánh đồng lớn, quy mô từ 10 ha/mô hình. Quá trình thực hiện đề án, toàn huyện đã di dời gần 2.600 ngôi mộ.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Cao Kỳ thông qua báo cáo 2 năm triển khai thực hiện tập trung, tích tụ, chuyển đổi ruộng đất.
Việc thực hiện tập trung ruộng đất đã làm thay đổi nhận thức, tư duy, tâm lý sản xuất nhỏ lẻ, tùy tiện của người dân. Công tác chỉ đạo triển khai sản xuất được thực hiện tập trung đồng bộ, thuận tiện trong việc điều hành nước tưới và máy móc phục vụ cho làm đất, thu hoạch lúa.
Quá trình dồn điền đổi thửa tạo tiền đề để xây dựng các THT, HTX nhằm điều hành sản xuất, xây dựng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Từ đó, nâng cao giá trị thu nhập cho Nhân dân; tăng hiệu suất hoạt động của máy làm đất, máy cấy và máy gặt đập liên hợp, giảm chi phí sản xuất.
Sau 2 năm thực hiện đề án, toàn bộ 18 xã, thị trấn đã thực hiện tập trung ruộng đất với tổng diện tích là 2.228,63 ha, chiếm khoảng 24% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Ảnh tư liệu
Việc thực hiện tập trung ruộng đất góp phần giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tại các vùng sau khi thực hiện chuyển đổi cao hơn so với năng suất bình quân chung của toàn huyện.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Can Lộc tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch thực hiện đề án lần thứ 3 giai đoạn 2023-2025.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường: Việc thực hiện tích tụ ruộng đất ở địa phương gặp thuận lợi nhờ tạo được sự đồng thuận từ Nhân dân. Nhờ tích tụ ruộng đất, công việc sản xuất của bà con gặp nhiều thuận lợi.
Theo đó, chuyển đổi ruộng đất lần thứ 3 lấy địa bàn thôn, cụm các thôn để chuyển đổi triệt để cùng với hình thành và phát huy hiệu quả vai trò các tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đúng “một đồng - một giống - một thời vụ - một phương thức canh tác”.
Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025, công tác dồn điền đổi thửa đạt 5.000 ha.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra một số bài học kinh nghiệm, những tồn tại khó khăn trong công tác thực hiện; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để thực hiện tốt đề án trong giai đoạn 3.
Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc Nguyễn Minh Vỵ: Công tác thực hiện đề án về tập trung ruộng đất ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cất bốc mồ mả tập trung về một chỗ.
Một số đại biểu cho rằng, khó khăn mà nhiều địa phương đang gặp phải là do diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ thấp, đất giao đến hộ phân tán, manh mún, nhiều ruộng, nhiều thửa; địa hình không bằng phẳng nên khó khăn trong quá trình quy hoạch, cải tạo làm phẳng mặt bằng; việc xử lý đất dư thừa, kinh phí tốn kém; thói quen sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của một bộ phận nông dân...
Chủ tịch UBND huyện Đặng Trần Phong đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành và các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt Đề án 2553/ĐA-UBND của UBND huyện; thảo luận, bàn bạc cách làm chuyển đổi ruộng đất phù hợp với tình hình từng địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Đặng Trần Phong kết luận hội nghị.
Song song với thực hiện chuyển đổi ruộng đất, Phòng NN&PTNT huyện cần tích cực tìm kiếm đối tác để liên kết sản xuất các mô hình lớn, gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật; Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi tích cực sản xuất các mô hình thương hiệu gạo...
Hội nghị cũng đánh giá vụ lúa hè thu 2022. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính toàn huyện là 10.7077 ha/10.478 ha, đạt 102,19% kế hoạch, trong đó diện tích gieo cấy lúa là 9.060 ha/9.120 ha, đạt 99,3%. Việc thu hoạch vụ lúa xuân chậm hơn dự kiến gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất vụ hè thu. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, cùng với quyết tâm của bà con Nhân dân, toàn huyện đã hoàn thành sản xuất vụ hè thu đúng thời hạn đề ra và là địa phương hoàn thành sớm nhất tỉnh. Hiện nay, lúa hè thu đã bước vào giai đoạn làm đòng; đậu, lạc đang trong giai đoạn phân cành - ra hoa - phát triển quả nhưng xuất hiện sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân.. gây hại. |