Nông dân xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) tranh thủ thời tiết nắng ấm tiến hành bón thúc cho lúa xuân 2022
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm đứt quãng quá trình chăm sóc lúa xuân nên mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Liên Vinh, xã Thạch Đài (Thạch Hà) phải tranh thủ thời gian để hoàn thành việc bón thúc cho hơn 1 mẫu ruộng của gia đình.
Chị Thu cho biết: “Nếu không có đợt rét vừa qua thì thời điểm này lúa đã đẻ nhánh rộ. Tính ra, đồng ruộng bị chậm ít nhất 7 - 10 ngày theo đúng kỳ chăm sóc vì rét. Mấy hôm trước ra đồng, lúa có biểu hiện vàng lá do thiếu dinh dưỡng, vì thế, tôi phải gấp rút bón thêm đạm để cây trồng “lại sức”, giúp cây đẻ nhánh tốt. Cùng đó, tôi cũng tranh thủ dặm tỉa số diện tích đợt trước còn dang dở để lúa sinh trưởng đồng đều hơn”.
Hiện tượng thiếu dinh dưỡng, sinh trưởng kém cũng xuất hiện khá nhiều ở đồng ruộng các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở những chân ruộng chưa kịp bón thúc trước khi xảy ra đợt rét kéo dài vừa qua.
Thời tiết rét hại, rét đậm kéo dài khiến nhiều diện tích sinh trưởng kém, xuất hiện hiện tượng thiếu dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Chính Xuân ở thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Rét đậm, rét hại khiến cho lúa sinh trưởng chậm hơn, trong khi đó, thời tiết luôn duy trì nhiệt độ thấp nên trong nhiều ngày qua, bà con chúng tôi cũng không thể tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây được. Hiện nay, thời tiết đã tốt và ổn định hơn là điều kiện thuận lợi để cây phục hồi, hấp thụ dinh dưỡng. Hơn nữa, trời có nắng cũng giúp bà con đỡ lo bị sâu bệnh tấn công”.
Thời điểm này, trên các cánh đồng ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ, bà con nông dân cũng tận dụng tối đa những ngày nắng đẹp để ra đồng chăm bón, lấy nước vào ruộng. Ghi nhận tại xã Lâm Trung Thuỷ - địa phương có diện tích lúa xuân lớn nhất huyện Đức Thọ (910 ha), các trà lúa đang vào kỳ đẻ nhánh rộ, sinh trưởng khá tốt. Hiện nay, địa phương đã cơ bản hoàn thành công đoạn bón thúc, bắt đầu tập trung cao cho phòng trừ sâu bệnh.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, bà con cần thường xuyên theo dõi, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp để lúa sinh trưởng thuận lợi.
Chị Phạm Thị Thuý - cán bộ khuyến nông xã Lâm Trung Thuỷ (Đức Thọ) cho hay, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên một số diện tích (chủ yếu sử dụng giống P6). Mặc dù tỷ lệ nhiễm còn thấp, chỉ từ 7 - 10%, song xã đã khuyến cáo và hướng dẫn bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ đạo ôn sớm nhằm giảm nguy cơ lây lan ra diện rộng trong những ngày tới.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã có 3 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình từ 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%. Bệnh xuất hiện trên một số loại giống chủ yếu như: P6, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20… phân bố nhiều ở các địa phương: Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà...
Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 3, thời tiết duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, trong khi, giai đoạn này cây lúa phát triển mạnh về thân lá đang tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên diện rộng, cục bộ một số diện tích có thể xuất hiện “cháy”. Đặc biệt, các giống nhiễm: P6, ADI 168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, BQ, Thiên ưu 8,... luôn trong nhóm nguy cơ cao.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra tình hình phát sinh sâu bệnh ở xã Thạch Văn (Thạch Hà)
Cùng đó, các đối tượng dịch hại khác như: ốc bươu vàng gây hại tại các vùng trũng, thấp diện tích nhiễm gần 55 ha (Thạch Hà, Đức Thọ và Nghi Xuân); chuột, bọ trĩ… gây hại trên tất cả các địa phương trên toàn tỉnh.
Thời gian qua, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của lúa. Chi cục đã ban hành hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh bón thúc để giúp lúa đẻ nhánh tập trung, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu. Cùng đó, bà con cần tiếp tục dặm tỉa đảm bảo mật độ, điều tiết chế độ nước, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt và tăng khả năng kháng sâu bệnh.
Đối với công tác BVTV, các địa phương cần làm tốt công tác điều tra, phát hiện các đối tượng dịch hại để phòng trừ kịp thời. Riêng với bệnh đạo ôn lá, từ nay đến cuối tháng 3 là cao điểm phát sinh của dịch hại, cần liên tục kiểm tra, khoanh vùng, xử lý bệnh trong diện hẹp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo diễn biến dịch bệnh để bà con nông dân chủ động phòng trừ hiệu quả.
Tin liên quan: